Tăng cường khả năng chống chịu, chủ động hơn nữa trong ứng phó với thiên tai

Thiên tai (TT) năm 2024 mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường, xảy ra trên khắp các vùng miền cả nước, kéo dài từ đầu năm đến cuối năm, đặc biệt là cơn bão lịch sử số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và trầm trọng hơn, TT diễn ra ngày càng khốc liệt, công tác phòng, chống TT cần được triển khai một cách chủ động hơn nữa bằng nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài để tăng cường khả năng chống chịu, giảm thiểu được thiệt hại do TT gây ra.

Bão số 3 gây thiệt hại cho hệ thống giao thông của nhiều địa phương, cần nhiều năm mới có thể khắc phục hoàn toàn. Ảnh: Đức Quyết

Bão số 3 gây thiệt hại cho hệ thống giao thông của nhiều địa phương, cần nhiều năm mới có thể khắc phục hoàn toàn. Ảnh: Đức Quyết

Những “tổn thương” nghiêm trọng

Cục Quản lý đê điều và phòng, chống TT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước xảy ra 1.340 trận với 21/22 loại hình TT. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ. TT gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, trong đó, thiệt hại lớn nhất đến từ bão số 3 (Yagi). Cơn bão này và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích (gấp 2 lần thiệt hại về người cả năm 2023); tổng thiệt hại vật chất gần 83.746 tỷ đồng (gấp 9 lần thiệt hại về vật chất do TT cả năm 2023).

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống TT cho biết thêm, do mưa lớn cực đoan, lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều điểm, gây thiệt hại rất lớn về người trong năm 2024, nhất là lũ quét, sạt lở đất sau bão số 3. Cụ thể, lũ quét, sạt lở đất đã làm 325 người chết, mất tích (chiếm 63% tổng thiệt hại về người năm 2024), trong đó có những trận rất nghiêm trọng so với những năm gần đây như: Lũ quét ngày 10/9, tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai làm 67 người chết, mất tích; sạt lở đất ngày 9/9, tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng làm 31 người chết, mất tích.

Cũng theo ông Tiến, TT năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích (gấp 3,04 lần so với năm 2023 và 2,44 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); 2.207 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng (gấp 9,52 lần với năm 2023 và 4,19 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023). Ngoài thiệt hại về người, tài sản, TT, bão số 3 còn gây những tổn hại nghiêm trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ y tế, giáo dục, giao thông..., cần nhiều năm mới có thể phục hồi. Thiệt hại do bão số 3 cũng làm tình trạng đói nghèo thêm trầm trọng, tác động sang chấn tâm lý nặng nề tới hàng nghìn người.

Cần chủ động, sẵn sàng phương châm "4 tại chỗ"

Là tỉnh bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, chính quyền và nhân dân tỉnh Lào Cai đang nỗ lực khắc phục những hậu quả do cơn bão này gây ra. Ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, để sớm khắc phục hậu quả bão số 3, tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ kinh phí trên 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các điểm sắp xếp dân cư tập trung cho bà con nhân dân.

Đề xuất về giải pháp ứng phó với TT ngày càng khốc liệt, khó lường, ông Huy cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro TT dựa vào cộng đồng. Cùng với đó, cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó cho đội ngũ trực tiếp làm công tác phòng, chống TT.

Còn theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị có ý nghĩa quyết định trong việc chỉ đạo, điều hành, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tham gia vào công tác phòng, chống TT. Qua thực tiễn diễn biến và công tác chỉ đạo ứng phó khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ông Phương cho rằng, để phát huy hiệu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do TT gây ra, cần xác định nhiệm vụ phòng, chống TT phải tiến hành liên tục, đảm bảo từ sớm, từ xa, không chủ quan, đồng thời cũng không bị mất bình tĩnh trước các tình huống.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang giúp người dân di dời tài sản tới nơi an toàn trước diễn biến phức tạp của mưa lũ do bão số 3 gây ra. Ảnh: Tiến Thắng

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang giúp người dân di dời tài sản tới nơi an toàn trước diễn biến phức tạp của mưa lũ do bão số 3 gây ra. Ảnh: Tiến Thắng

Cũng theo ông Phương, việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mỗi khi TT xảy ra sẽ giúp công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó TT được thông suốt, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả cao. Cùng với đó, công tác rà soát các phương án, kế hoạch phòng, chống TT phải được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm và lấy phương châm "4 tại chỗ" làm chủ đạo. Kế hoạch phòng, chống TT phải được xây dựng sát thực tế diễn biến thiên tai của từng địa bàn để xây dựng phương án ứng phó thích hợp. Ngoài ra, phải thường xuyên diễn tập, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh, ứng phó bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Về công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai, theo ông Phương, cần phải thực hiện đồng bộ cả khẩn cấp, trước mắt cũng như tổng thể, lâu dài, có giải pháp khẩn cấp và dài hạn, bố trí nguồn lực phù hợp vừa đề cao hiệu quả xã hội trước mắt, vừa chủ động hiệu quả lâu dài.

Xây dựng phương án ứng phó sát với thực tế

Đề cao công tác rà soát, xây dựng kế hoạch ứng phó TT, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: “Hằng năm phải tiến hành rà soát các khu vực, các công trình trọng điểm có thể xảy ra sự cố, từ đó xây dựng phương án sát với thực tế để khi có tình huống xảy ra thì có phương án xử lý hiệu quả, kịp thời. Song song với đó, phải thường xuyên tổ chức tập huấn, cũng như diễn tập cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống TT, giả định các tình huống đúng để khi có TT thì huy động, tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ", ứng phó ngay từ giờ đầu nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân".

Ông Nguyễn Văn Tiến đúc rút, TT năm 2024, nhất là bão số 3 đi qua đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống TT liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực... Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống TT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước TT; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng đến mục tiêu: “Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu”.

Theo ông Cao Văn Cường, một yếu tố rất quan trọng quyết định tới hiệu quả của công tác phòng, chống TT là các lực lượng cần phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, phân công đúng người, đúng việc để phát huy cao nhất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng mới có thể đạt hiệu quả cao nhất trong ứng phó với TT.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-chu-dong-hon-nua-trong-ung-pho-voi-thien-tai-post485017.html