Tăng cường khả năng hấp thụ vốn

Quý I, doanh số cho vay của ngành Ngân hàng tỉnh ước giảm 36,02% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay ước giảm 1,58% so với đầu năm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của thị trường, nhất là doanh nghiệp đang giảm.

Quý I, doanh số cho vay của ngành Ngân hàng (NH) tỉnh ước giảm 36,02% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay ước giảm 1,58% so với đầu năm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của thị trường, nhất là doanh nghiệp (DN) đang giảm. Hiện nay, ngành NH đang triển khai các giải pháp để tăng cường khả năng hấp thụ vốn của DN.

Tín dụng giảm

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 3-2020, huy động vốn toàn tỉnh ước đạt 85.355 tỷ đồng, giảm 571 tỷ đồng với 0,66% so với đầu năm (tăng 4.849 tỷ đồng với 6,02% so với cùng kỳ năm trước). Dư nợ cho vay ước đạt 88.680 tỷ đồng, giảm 1.425 tỷ đồng với 1,58% so với đầu năm (tăng 7.552 tỷ đồng với 9,31% so với cùng kỳ). 3 tháng đầu năm, doanh số cho vay ước đạt 23.843 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 36,02%. Điều đó cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của thị trường, nhất là của DN đã giảm. Trong tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhiều DN thu hẹp quy mô, hạn chế vay vốn. Điều này đi ngược xu thế những năm trước đây, tín dụng thường tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu...

 Khách hàng giao dịch tại Agribank Khánh Hòa.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Khánh Hòa.

Tích cực hỗ trợ khách hàng

Với tình hình như hiện nay, ngành NH đã triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng hấp thụ vốn của DN.

Mới đây, NHNN Việt Nam giảm hàng hoạt lãi suất điều hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 0,5%/năm. Cụ thể, NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 năm 2016 giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm. Việc giảm một loạt lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho các NH thương mại giảm chi phí đầu vào, hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ DN.

Bên cạnh đó, ngành NH đã tích cực rà soát, nắm bắt tình hình thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến ngày 15-3, toàn tỉnh có 749 khách hàng vay vốn (247 DN, 502 cá nhân) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dư nợ bị ảnh hưởng gần 9.933 tỷ đồng, chiếm 11,15% dư nợ cho vay toàn địa bàn

Đồng hành với DN, người dân vay vốn bị thiệt hại do dịch Covid-19, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã lập và thẩm định hồ sơ đề nghị cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hội sở xem xét, quyết định cho 19 khách hàng với dư nợ hơn 201 tỷ đồng; cho vay mới 16 khách hàng với số tiền gần 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều chi nhánh TCTD trên địa bàn đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ: giảm lãi suất cho vay VND từ dưới 1%/năm đến tối đa 3%/năm, giảm lãi suất cho vay USD từ 0,5%/năm. Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 11%/năm) cho 1.180 lượt khách hàng với dư nợ gần 2.789 tỷ đồng. Hiện nay, dư nợ có lãi suất từ 11%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 73,08%; từ 9%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 37,31%; từ 6% trở xuống chiếm 9,10% tổng dư nợ.

Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, trong thời gian tới, ngành NH tiếp tục triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về tiền tệ, tín dụng, hoạt động NH, các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN có vốn vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, bố trí nguồn vốn để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo quy định cho khách hàng gặp khó khăn chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, góp phần hạn chế “tín dụng đen”...

NAM DU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/taichinh-nganhang/202003/tang-cuong-kha-nang-hap-thu-von-8155909/