Tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh phòng chống dịch COVID-19 tại những nơi có nguy cơ cao
Trong tuần qua, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta tiếp tục diễn biến rất phức tạp nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và thành phố Hà Nội. Các cấp, các ngành đã tập trung cao độ triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 27 tháng 7 năm 2021, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình hình triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp, cùng tham dự có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo đại diện các Sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID- 19 của tỉnh. Sau khi nghe đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế và đồng chí Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo, ý kiến của các đại biểu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:
Trong tuần qua, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta tiếp tục diễn biến rất phức tạp nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và thành phố Hà Nội. Các cấp, các ngành đã tập trung cao độ triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, kiểm soát chặt chẽ không để dịch từ bên ngoài vào tỉnh. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tiếp tục tích cực triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta vẫn diễn biến rất phức tạp, luôn thường trực nguy cơ cao có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19, đồng thời duy trì phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
1.Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thường xuyên cập nhật những chỉ đạo, hướng dẫn mới để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời; chủ động rà soát, cập nhật, xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch tại đơn vị sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống của dịch bệnh.
2. Công an tỉnh, Sở Y tế, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ người từ tỉnh ngoài về địa bàn tỉnh, không để nguồn lây dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh.
- Đối với người dân từ các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về địa bàn tỉnh:
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố đón nhận người dân về nơi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, sàng lọc, phân loại (nếu âm tính và không có yếu tố dịch tễ) thì thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày kể từ ngày trở về tỉnh, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe theo quy định và đồng thời phải thực hiện xét nghiệm theo chỉ đạo của Bộ Y tế (chi phí xét nghiệm do người dân tự trả tiền). Giao Sở Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất để triển khai thực hiện.
- Đối với các trường hợp vào tỉnh qua các chốt kiểm soát thì thực hiện Test nhanh kháng nguyên (người dân tự trả tiền) tại địa điểm theo quy định. Các trường hợp được vào tỉnh phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế với chính quyền địa phương, trên cơ sở đó, ngành Y tế phân loại, sàng lọc để quyết định việc lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Giao Công an tỉnh chủ trì, chỉ đạo điều hành hoạt động tại các chốt kiểm soát để tăng cường kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh, đảm bảo an ninh trật tự, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất kinh doanh. Sở Y tế kiểm soát chặt chẽ quy trình, chất lượng, mức thu tiền Test nhanh kháng nguyên đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Đối với người lao động làm việc ở tỉnh ngoài đi về trong ngày:
+ Yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện ký cam kết, khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc, không tập trung đông người...
+ UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách, quản lý, giám sát chặt chẽ người lao động cư trú tại địa bàn đi ra tỉnh ngoài làm việc; đồng thời cấp giấy xác nhận để đi qua các chốt kiểm soát hàng ngày.
- Đối với người lao động ở các tỉnh lân cận làm việc tại tỉnh đi về trong ngày:
+ Các doanh nghiệp ngoài Khu công nghiệp: UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn lập danh sách người lao động cư trú tại các tỉnh lân cận đi về trong ngày gửi về UBND các huyện, thành phố. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ký giấy xác nhận cho người lao động cư trú tại các tỉnh lân cận đi về trong ngày và đồng thời, yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện ký cam kết, khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc, không tập trung đông người và liên hệ với UBND các xã, phường, thị trấn nơi cư trú cấp giấy xác nhận để đi qua các chốt kiểm soát hàng ngày.
+ Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp: Thực hiện theo Văn bản số 412/UBND-VP7 ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh và hướng dẫn của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh.
3.Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, nhất là đối với các nơi có nguy cơ cao như: các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, chợ dân sinh, nhà ga, bến xe, trung tâm thương mại, cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động... kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu dừng hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; cấp trên kiểm tra cấp dưới; cấp tỉnh kiểm tra cấp huyện, cấp huyện kiểm tra cấp xã; cấp xã kiểm tra các thôn, xóm, tổ dân phố; tổ COVID-19 cộng đồng kiểm tra, giám sát cá nhân, gia đình.
4.UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng công an cấp xã, các lực lượng chức năng, tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, trưởng thôn (xóm), tổ trưởng tổ dân phố tiếp tục quản lý chặt chẽ nhân khẩu; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo cam kết đã ký.
5.Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức tang lễ, đám cưới, phải giảm quy mô, không tổ chức tập trung đông người.
Giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có văn bản hướng dẫn việc tổ chức tang lễ, đám cưới trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có văn bản hướng dẫn việc tổ chức tang lễ đối với trường hợp tử vong do COVID- 19 (nếu có) theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế.
6.Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án, kịch bản phòng chống dịch trên diện rộng với 1.000 ca nhiễm, 5.000 ca nhiễm, 10.000 ca nhiễm.. Đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi tình huống của dịch bệnh theo nguyên tắc 4 tại chỗ, nhất là phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
7.Về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Sở Y tế, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai kế hoạch, phương án và chuẩn bị các điều kiện triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng theo Kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát các đối tượng thuộc diện tiêm vắc xin theo quy định, tham mưu phân bổ vắc xin theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng đối tượng được ưu tiên.
8.Về thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành được giao nhiệm vụ, các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát đối tượng, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, lập danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Riêng các đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng theo Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh, yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, thẩm định, lập danh sách hỗ trợ, trình UBND tỉnh (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội) trước ngày 15/8/2021.
- Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đôn đốc thực hiện.
Các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo này./.