Tăng cường kiểm soát nghề lưới kéo ven bờ
Nghề lưới kéo giúp ngư dân có thể đánh bắt được đa dạng đối tượng hải sản ở mọi vùng nước, tầng nước. Tuy nhiên, phương thức đánh bắt này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân.
Nghề lưới kéo ven bờ phổ biến ở xã Quảng Hải (Quảng Xương).
Khai thác hải sản bằng lưới kéo ven bờ phổ biến ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn... Thời gian qua, nghề lưới kéo phần lớn là phát triển theo tính tự phát khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm đáng kể vì khai thác bằng hình thức lưới kéo không có chọn lọc, kích thước mắt lưới nhỏ đánh bắt tất cả các loại hải sản từ lớn đến nhỏ làm cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân. Bên cạnh đó, một bộ phận ngư dân không có ý thức, khai thác hải sản bừa bãi gây mất trật tự an ninh vùng ven biển. Chẳng những thế, nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh cho thu nhập không cao, do sản phẩm khai thác chủ yếu là cá tạp. Theo ông Phạm Văn Huyền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn), đây là một trong những hình thức khai thác hải sản được truyền từ đời này sang đời khác của cư dân ven biển. Toàn xã có 270 bè mảng được gắn máy công suất từ 55 đến 70 CV với đa loại hình khai thác, như: Lưới kéo, lưới rê, dã moi... hoạt động khai thác ở vùng ven bờ. Thời gian qua, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân không đóng mới bè mảng có công suất nhỏ. Thông qua hoạt động của hội đồng quản lý nghề cá ven bờ nên việc chấp hành pháp luật trong khai thác hải sản của ngư dân có nhiều chuyển biến, không còn tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác hải sản. Tuy nhiên, ngư dân chưa tích cực tham gia các lớp tập huấn về khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi có lớp, chủ yếu là phụ nữ, người già đại diện gia đình ngư dân tham gia cho có. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là việc cần làm. Song, để ngư dân chuyển đổi nghề thì cần phải có vốn nhưng do hiệu quả kinh tế từ việc khai thác hải sản ven bờ không cao nên ngư dân cũng không có tích lũy vốn để chuyển đổi nghề nghiệp. Bởi vậy, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, cũng như các ngành có liên quan của tỉnh, TP Sầm Sơn trong việc tạo nguồn vốn để những ngư dân làm nghề lưới kéo và các nghề khai thác gần bờ có điều kiện chuyển đổi nghề.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 750 tàu thuyền làm nghề lưới kéo, chiếm 11,05% tàu thuyền toàn tỉnh; lưới rê 2.266 chiếc, chiếm 33,37% tàu thuyền toàn tỉnh. Để bảo đảm nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương ven biển tích cực thực hiện chủ trương hạn chế cho đóng mới tàu làm nghề lưới kéo có công suất nhỏ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các mô hình đồng quản lý ven bờ. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển đối với nghề lưới kéo. Không cho phép tàu cá đang hoạt động các nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo. Khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt vùng cấm và hạn chế hoạt động đối với nghề lưới kéo, thời vụ và đối tượng cấm khai thác. Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh để hỗ trợ mô hình chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, vận động ngư dân làm nghề lưới kéo chuyển sang ngành nghề khác; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong việc giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề. Khuyến khích nghề khai thác hải sản bằng những hình thức thân thiện với môi trường, nhằm góp phần giảm sự xâm hại đến nguồn thủy sản tự nhiên.
Việc quản lý chặt chẽ nghề lưới kéo vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi sinh, môi trường biển, vừa giúp người dân thực hiện khai thác bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-kiem-soat-nghe-luoi-keo-ven-bo/103776.htm