Tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng; có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn
Theo đồng chí Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Trong nhiệm kỳ vừa qua, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức đảng và trên 47.000 đảng viên (trong đó trên 23.000 là cấp ủy viên các cấp), giám sát trên 183.000 tổ chức đảng và trên 528.000 đảng viên (trong đó trên 154.000 là cấp ủy viên các cấp); tập trung nhiều vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm như: việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tha hóa quyền lực của đảng viên có chức quyền trong việc quyết định chủ trương, chính sách và trong công tác cán bộ,…; trách nhiệm nêu gương; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng; bảo vệ môi trường, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công...
Trong đó có nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, UBKT Trung ương đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được kết quả quan trọng. UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra ở những nơi, những lĩnh vực mà trước đây ít hoặc chưa được kiểm tra như: cơ quan tư pháp, các cơ quan trong lực lượng vũ trang, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước…
Qua kiểm tra, đã kịp thời xử lý những đảng viên tham nhũng, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. UBKT các cấp cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm. Một số kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tạo tiền đề cho các ngành chức năng xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật (như các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, vụ Đinh Ngọc Hệ, vụ AVG, vụ BIDV,...).
Công tác nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được UBKT Trung ương và UBKT các cấp quan tâm, thực hiện.
Coi trọng giám sát để nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa
Đồng chí Mai Trực khẳng định: Công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của các địa phương, đơn vị; góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; ngăn ngừa các nguy cơ của Đảng cầm quyền, đóng góp tích cực vào việc kiểm soát quyền lực, trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao, nhất là phòng, chống việc lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý, những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Bên cạnh đó, có thể thấy công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu; có nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý kéo dài. Chất lượng công tác giám sát thường xuyên còn nhiều hạn chế, có những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được phát hiện.
Qua thực tiễn của nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí Mai Trực đúc kết lại một số bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác kiểm tra, giám sát; trong đó nhấn mạnh: Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, đơn vị một cách chủ động, thường xuyên, liên tục theo tinh thần “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo".
Việc xác định phương hướng nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát phải thiết thực, toàn diện, đồng bộ, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ và gắn với giải quyết các vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân đang quan tâm.
Thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm: “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, trong đó, coi trọng giám sát để nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa.
Phải chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có vi phạm. Kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra từng bước được xác định là cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật của Đảng.