Tăng cường kiểm soát tải trọng xe ô tô vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu

Trước tình hình xe vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường kiểm soát tải trọng xe ô tô vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chuyên môn nhằm kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), góp phần duy trì chất lượng kết cấu hạ tầng, tăng tuổi thọ các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh tuần tra, kiểm soát chuyên đề về xe vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu trên địa bàn huyện Tam Dương

Lực lượng CSGT Công an tỉnh tuần tra, kiểm soát chuyên đề về xe vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu trên địa bàn huyện Tam Dương

Theo số liệu thống kê từ Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an tỉnh, năm 2021, lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý hơn 1.400 trường hợp vi phạm xe chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng; trong đó có 452 trường hợp lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất, thu nộp ngân sách Nhà nước 3,7 tỷ đồng.

Trước tình hình phương tiện giao thông vi phạm chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, Phòng CSGT đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 409 về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện đường bộ.

Ngoài tổ tuần tra, kiểm soát thường xuyên tình hình trật tự ATGT, Phòng CSGT tỉnh đã thành lập riêng 2 tổ kiểm tra chuyên đề về kiểm soát tải trọng xe ô tô vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu, mở cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, xe chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 544 trường hợp vi phạm xe chở quá trọng tải, trong đó có 70 trường hợp vi phạm lắp thùng xe với kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất, thu nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng.

Trung tá Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng Phòng CSGT cho biết: Hành vi lái xe chở quá trọng tải, lắp thùng xe với kích thước không đúng với thiết kế của nhà sản xuất đối với cá nhân vi phạm trong từng trường hợp cụ thể sẽ bị xử phạt từ 8 – 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng; đối với chủ doanh nghiệp (DN), tổ chức sử dụng lao động để lái xe vi phạm các quy định trên mức xử phạt từ 36 – 40 triệu đồng, tước phù hiệu, giấy phép lái xe từ 3 – 5 tháng.

Để ngăn chặn tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải trọng cho phép, quá khổ giới hạn khi tham gia giao thông, phòng phối hợp với các đơn vị thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo dư luận đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CSGT khi thực thi nhiệm vụ; công khai kết quả xử lý vi phạm, những vụ tai nạn giao thông nguyên nhân từ hành vi chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn để răn đe, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Trong công tác chuyên môn, phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cập nhật thông tin, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cơ bản cho lực lượng CSGT, tập trung thu thập các thông tin có liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa trên các tuyến, địa bàn giao thông, lên danh sách các cơ quan, DN, cá nhân tái phạm về hành vi chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, xác định khung giờ các phương tiện vận tải hàng hóa thường xuyên hoạt động để xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề.

Các tổ tuần tra, kiểm soát được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, sử dụng có hiệu quả các thiết bị như cân trọng tải, camera giám sát để tránh bỏ lọt vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Phòng CSGT yêu cầu 100% chủ doanh nghiệp ký cam kết không chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành công an, theo Chỉ thị 11 của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thành phố rà soát, thống kê số lượng phương tiện thay đổi kích thước, cơi nới thùng xe trái quy định; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát tải trọng phương tiện tham gia giao thông, giám sát hoạt động kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.

Sở Giao thông vận tải siết chặt quản lý cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa, phù hiệu xe tải, từ chối cấp phù hiệu cho các xe ô tô cơi nới kích thước thùng xe trái phép; xử lý nghiêm DN, chủ phương tiện vi phạm cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các DN, tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản kiểm tra tải trọng đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa trước khi ra khỏi mỏ, đảm bảo chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn của cầu đường bộ khi xếp hàng hóa lên xe ô tô; phối hợp với cơ quan chuyên môn xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản có xe ô tô thường xuyên vi phạm chở quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép.

Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm đưa công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn quản lý là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; đối với các địa phương có cơ sở khai thác khoáng sản, mỏ vật liệu, đầu mối bốc dỡ hàng hóa phải tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên chưa khai thác, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại các khu vực này.

Chỉ thị 11 cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả kiểm soát tải trọng xe ô tô nếu để xe ô tô chở quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép lưu thông trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, gây phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, gây bức xúc dư luận trong nhân dân.

Bài ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/76467/tang-cuong-kiem-soat-tai-trong-xe-o-to-van-tai-hang-hoa-nguyen-vat-lieu.html