Tăng cường kiểm soát tập trung kinh tế trong giao dịch M&A

Kiểm soát tập trung kinh tế nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trên thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Hoạt động tập trung kinh tế ngày càng sôi động

Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian gần đây, dưới tác động của suy thoái kinh tế tại một số khu vực và những biến động địa chính trị trên thế giới, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có triển vọng là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đến từ nhiều yếu tố như: Vị trí địa lý thuận lợi, môi trường chính trị ổn định, là nền kinh tế đang phát triển với thị trường khoảng 100 triệu dân, có khả năng kết nối chuỗi cung ứng khu vực cao thông qua 19 hiệp định thương mại tự do đang thực thi và một số hiệp định đang đàm phán.

Trước tình hình này, tại Việt Nam, hoạt động tập trung kinh tế bao gồm các hình thức: Mua bán, sáp nhập (M&A), hợp nhất, liên doanh giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngày càng trở nên sôi động. Hoạt động tập trung kinh tế mang đến cho các tập đoàn, doanh nghiệp và quỹ đầu tư phương thức hiệu quả để gia nhập, rút lui thị trường, phát triển hoạt động đầu tư - kinh doanh theo quy định, từ đó nền kinh tế mở rộng quy mô, người tiêu dùng được hưởng lợi do được tiếp cận với đa đạng sự lựa chọn trong tiêu dùng.

Thực tế, Chính phủ cũng đang có chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng “hợp tác - đầu tư”, thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn và tránh thất thoát, dàn trải, đảm bảo cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp trong nước và phải đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Tăng cường kiểm soát tập trung kinh tế trong giao dịch M&A. Ảnh minh họa

Tăng cường kiểm soát tập trung kinh tế trong giao dịch M&A. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, song song với những lợi ích nêu trên, hoạt động tập trung kinh tế cũng tiềm ẩn rủi ro về việc hình thành doanh nghiệp, tập đoàn có sức mạnh thị trường đáng kể, từ đó có khả năng kiểm soát, chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, có khả năng gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Để thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài, đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, lành mạnh cho mọi thành phần kinh tế, việc quản lý, giám sát, kiểm soát tập trung kinh tế là chiến lược quan trọng, thiết yếu.

Bộ Công Thương cho biết, việc kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt Nam nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trên thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, độc lập với các quy định về mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài.

Giai đoạn 2020 - 2023, số lượng hồ sơ thông báo tập trung kinh tế có xu hướng tăng, báo hiệu làn sóng đầu tư thông qua hình thức M&A phát triển. Riêng năm 2023, Bộ Công Thương với đầu mối là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức triển khai thẩm định trên 150 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong nhiều ngành/lĩnh vực của nền kinh tế như: lĩnh vực như bất động sản; lĩnh vực dịch vụ (bảo hiểm, hàng không, dịch vụ vận tải..); năng lượng; sản xuất công nghiệp.

Đảm bảo lợi ích quốc gia, doanh nghiệp, thị trường

Để đảo bảo môi trường cạnh tranh lãnh mạnh, Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm soát tập trung kinh tế trong giao dịch M&A. Theo đó, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ thẩm định, đánh giá việc tập trung kinh tế có doanh nghiệp nước ngoài tham gia một cách cẩn trọng, toàn diện. Đặc biệt là dự báo về mức độ gây hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam để đưa ra các điều kiện thực hiện tập trung kinh tế nhằm giảm thiểu nguy cơ, lạm dụng vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp nước ngoài sau tập trung kinh tế trên cơ sở đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế trên thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ xây dựng cơ chế giám sát các giao dịch tập trung kinh tế được thực hiện bởi một bên là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài theo hướng đảm bảo lợi ích quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phù hợp với các cam kết quốc tế và hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết nhưng vẫn bảo vệ được cơ cấu cạnh tranh hiệu quả của thị trường và không xâm phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hiệu quả phối hợp, tham vấn, trao đổi giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế, đặc biệt là các giao dịch có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, các hoạt động tập trung kinh tế tiêu cực đến nền kinh tế.

“Việc phát triển hoạt động hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật cạnh tranh giữa cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam và cơ quan quản lý cạnh tranh nước ngoài cũng được chú trọng. Đặc biệt trong công tác kiểm soát tập trung kinh tế đối với những giao dịch M&A diễn ra ở nước ngoài nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tại thị trường Việt Nam” - Bộ Công Thương khẳng định.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-kiem-soat-tap-trung-kinh-te-trong-giao-dich-ma-348975.html