Tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, đây cũng là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Do vậy, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đang được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm, kiểm soát chặt chẽ, để phục vụ Nhân dân đón tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe.
Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP số 1 của tỉnh kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Tại huyện Vĩnh Lộc, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo quản lý vệ sinh ATTP và tổ giám sát cộng đồng, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình; thực hiện xác nhận nguồn gốc sản phẩm theo quy định, cũng như thực hiện đầy đủ các quy trình xây dựng cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP từ khâu quản lý đến cung cấp và chế biến.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý VSATTP, huyện đã có các văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện bảo đảm VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ đạo trung tâm y tế huyện giám sát nguồn thực phẩm, kiểm tra một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Đồng thời, chú trọng công tác thanh, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước, trong và sau tết.
Thời điểm này, 3 đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh về VSATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân năm 2021 đang thực hiện kiểm tra, giám sát tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các ngành chức năng tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, lực lượng chức năng chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP.
Ông Nguyễn Xuân Đồng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1, cho biết: Đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thường Xuân. Qua kiểm tra, nhìn chung các cơ sở đều chấp hành đúng quy định của pháp luật về ATTP, hàng hóa bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân... Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện một số lỗi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đối với các lỗi vi phạm đoàn sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Tại các địa phương, các đơn vị chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân; nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong lựa chọn những thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe gia đình, người thân và cộng đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp. Qua thực tế kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện một số vi phạm mà các cơ sở thường mắc phải như: chưa đủ điều kiện bảo đảm ATTP, chưa công bố chất lượng sản phẩm, vi phạm các quy định thực hành ATTP...
Cùng với việc kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu: sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm; thì ý thức người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mới là điều quan trọng trong công tác bảo đảm VSATTP. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên tẩy chay những mặt hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng. Chỉ tin dùng những mặt hàng có ghi rõ địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên hệ tại những cơ sở uy tín. Bên cạnh đó, chú ý khâu bảo quản, để nơi khô ráo, thoáng mát; đồng thời, phải vệ sinh sạch sẽ, sơ chế kỹ lưỡng trước khi sử dụng tránh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.