Tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực trong bộ máy công quyền
Những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, bệnh độc đoán, chuyên quyền đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức kinh tế của Nhà nước.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII, xác định: “... xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”.
Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và hệ thống chính trị đã cụ thể hóa chủ trương kiểm soát quyền lực của Đảng bằng các quy chế, quy định và tổ chức thực hiện nghiêm túc, trong đó chú trọng cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phù hợp tình hình thực tế, xác định quyền và trách nhiệm của tập thể và của cá nhân. Tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời từng bước có cơ chế, chế tài cụ thể xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vừa qua, do chưa đủ công cụ kiểm soát nên quyền lực bị lợi dụng, tha hóa, một số cán bộ lợi dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân, hình thành nhóm lợi ích, gây tổn hại cho đất nước... Trong một số quy định, việc trao quyền không phù hợp với trách nhiệm dẫn đến người đứng đầu ỷ lại, dựa vào tập thể, thiếu năng động, sáng tạo, không dám nghĩ dám làm, thu mình để được bình an, làm cho cơ quan, đơn vị, địa phương yếu kém kéo dài, công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, kinh tế-xã hội không phát triển... Ngược lại, trao quyền cho cá nhân người đứng đầu không tương thích với trách nhiệm (quyền lớn hơn trách nhiệm) dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, làm trái, bất chấp nguyên tắc, quy chế, quy trình, nhất là trong công tác cán bộ. Ngay cả khi việc trao quyền và trách nhiệm của người đứng đầu dù là tương thích nhưng tập thể nể nang, ngại va chạm, hoặc bị người đứng đầu thao túng nên tự tung tự tác và không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, hữu hiệu của cấp trên dẫn đến không những chỉ người đứng đầu mà cả tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương vi phạm khuyết điểm.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày 19-1-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”. Khẳng định ấy cho thấy, đã đến lúc cần phải có các giải pháp tổng thể, không chỉ dựa vào giáo dục đạo đức, tự phê bình và phê bình và kêu gọi sự tự giác thuần túy mà phải kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng, hoàn thiện, thực hiện hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực được pháp luật, Điều lệ Đảng quy định để ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương của những người được nhân dân trao quyền.
Vấn đề quan trọng hàng đầu cần tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân trong quản lý, thực thi và kiểm soát việc thực thi quyền lực của người được ủy quyền. Cần giáo dục, tuyên truyền cho các tổ chức, lực lượng và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ tính tất yếu khách quan, ý nghĩa, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, cơ chế, giải pháp kiểm soát quyền lực cũng như những thuận lợi, khó khăn, thách thức, những vướng mắc trong quá trình tổ chức kiểm soát quyền lực làm cơ sở để thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải làm cho các tổ chức, lực lượng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội có sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi phù hợp vững chắc với tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của từng loại hình cơ quan, đơn vị.
Cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Đó cũng là cách để nhân dân và đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia giám sát quyền lực trong việc giao quyền lực cho cán bộ. Chỉ trên cơ sở đó Đảng, Nhà nước mới lựa chọn được cán bộ thực sự có đức, có tài cho đất nước.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy, cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, chức trách, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của từng chức danh cán bộ và cơ chế, nguyên tắc hoạt động làm cơ sở pháp lý để kiểm soát việc quản lý và thực thi quyền lực được giao của người đứng đầu. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp; tăng cường kiểm tra, sàng lọc, xử lý, thay thế, miễn nhiệm, cho từ chức người đứng đầu yếu kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, năng lực lãnh đạo thực tiễn hạn chế, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc trong chỉ đạo, điều hành công việc. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm thực thi quyền lực trong công tác cán bộ gây bức xúc dư luận. Nghiên cứu tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu. Hoàn thiện các quy định về xử lý kỷ luật, bảo đảm thống nhất đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước đối với người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, không có vùng cấm, ngoại lệ đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp vi phạm trong thực thi quyền lực được giao. Cần có các cơ chế phối hợp cụ thể để giám sát, kiểm soát chéo giữa các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội trong quản lý và thực thi quyền lực của người đứng đầu.
Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực sự làm nòng cốt trong kiểm soát quyền lực nói chung và của người đứng đầu nói riêng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu, tiêu cực; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là đối với người đứng đầu. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp phải thật sự gương mẫu, nêu cao đức tính cần, kiệm, liêm, chính; khắc phục biểu hiện độc đoán, gia trưởng, lạm quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên khắc phục sự nể nang, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh với người đứng đầu về các hành vi, việc làm sai trái. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước kịp thời rà soát sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp và thực hiện nghiêm túc, trong đó phân định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của tập thể, cá nhân, nhất là thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực của người đứng đầu, nhất là trong công tác cán bộ, quyết định phân bổ nguồn lực, phê duyệt các dự án đầu tư... Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung lãnh đạo và làm nòng cốt trong kiểm soát quyền lực, thực hành dân chủ rộng rãi và phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng trong việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, phải bảo đảm cho người đứng đầu quản lý và thực thi quyền lực vì những mục tiêu tốt đẹp, vì quyền lợi và hạnh phúc của những người đã ủy quyền cho mình.