Tăng cường kiểm tra chấp hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp

Tuân thủ pháp luật lao động không chỉ đảm bảo quyền lợi người lao động mà còn thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc lành mạnh, an toàn. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp may mặc - Ảnh: M.L

Lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp may mặc - Ảnh: M.L

Qua các đợt kiểm tra cho thấy, việc chấp hành pháp luật lao động và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, ban hành nội quy lao động, xây dựng thang lương, bảng lương và số người tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng. Người sử dụng lao động và người lao động có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng, kiện toàn bộ máy, nhân sự làm công tác an toàn, vệ sinh lao động như thành lập các phòng, ban, cử cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để cải thiện điều kiện lao động, góp phần giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành tốt, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa triển khai hoặc triển khai thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật lao động. Trong đó, lỗi vi phạm phổ biến là doanh nghiệp chưa lập sổ quản lý lao động và chưa báo cáo định kỳ tình hình sử dụng lao động; ký kết hợp đồng lao động chưa đầy đủ với người lao động, ký hợp đồng lao động không đúng loại; không xây dựng, ban hành, đăng ký nội quy lao động; trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, không trả lương ngày nghỉ lễ, tết, không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia chưa đầy đủ cho người lao động; không tổ chức đối thoại với người lao động theo quy định.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế, quy trình lao động, trang cấp trang thiết bị về an toàn lao động, giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, tại các doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ thường vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động như: Không tổ chức huấn luyện về công tác an toàn cho người lao động; chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc có trang bị nhưng chưa có biện pháp yêu cầu người lao động sử dụng; bố trí, thiết lập mạng lưới an toàn lao động còn sơ sài, thiếu quan tâm, nhắc nhở người lao động tuân thủ quy định về an toàn lao động. Trong quá trình sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đều sử dụng hóa chất có ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động…

Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), bên cạnh một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh hoặc hiểu biết pháp luật lao động còn hạn chế thì vẫn có những doanh nghiệp chỉ chú trọng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa dành nhiều thời gian để quan tâm tổ chức thực hiện pháp luật lao động. Đặc thù doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên lao động thường xuyên biến động, trình độ quản lý và hiểu biết về pháp luật chưa cao, dẫn đến các vi phạm về hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc… Qua các đợt kiểm tra, Sở LĐ,TB&XH đã hướng dẫn doanh nghiệp các quy định của pháp luật và đưa ra các kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các doanh nghiệp nhỏ chưa tham gia bảo hiểm xã hội còn nhiều, sở đã đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh triển khai các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ở lĩnh vực này. Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý, xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật lao động nhưng không khắc phục theo kết luận của các đoàn kiểm tra…

Để đảm bảo quyền lợi người lao động và giúp các doanh nghiệp hiểu, thực hiện đúng pháp luật lao động, thời gian tới Sở LĐ,TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, tổ chức liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2022, Sở LĐ,TB&XH phối hợp các sở, ngành liên quan phối hợp tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 tại các địa phương, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm quy định của luật.

Song song với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người lao động nắm bắt và thực hiện các quyền kiểm tra, giám sát của người lao động đối với doanh nghiệp nơi họ làm việc như: Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; thực hiện nội quy lao động, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động; sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động; thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163405&title=tang-cuong-kiem-tra-chap-hanh-phap-luat-lao-dong-tai-doanh-nghiep