Luật nhập cư mới và bài toán thiếu hụt lao động

Quốc hội Nhật Bản mới đây đã thông qua Luật Kiểm soát nhập cư sửa đổi, nhằm khuyến khích người lao động nước ngoài làm việc lâu hơn, qua đó giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dân số già hóa tại quốc gia này. Song, các chuyên gia cho rằng, nỗ lực của Chính phủ đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Nỗ lực "giữ chân" lao động nước ngoài

Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải chật vật với tình trạng thiếu lao động, Quốc hội nước này đã ban hành Luật Kiểm soát nhập cư sửa đổi, với mục đích thay thế hệ thống đào tạo kỹ thuật cho người lao động nước ngoài hiện tại bằng hệ thống đào tạo và việc làm mới, có nhiều cơ chế ưu đãi hơn nhằm khuyến khích người lao động nước ngoài làm việc lâu hơn tại Nhật Bản. Theo kế hoạch, luật sẽ có hiệu lực đến năm 2027.

Cơ chế lao động nước ngoài mới được thiết kế để thúc đẩy và thu hút nhân tài nước ngoài, cũng như giúp những người lao động thiếu kinh nghiệm có được các kỹ năng cần thiết để trong vòng 3 năm có thể chuyển sang chương trình kỹ năng đặc định dành cho lao động có tay nghề. Cơ chế này nhằm thay thế Chương trình Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật (TITP) được thực hiện từ năm 1993 với danh nghĩa phát triển các kỹ năng kỹ thuật của người lao động nước ngoài từ các quốc gia đang phát triển.

Ảnh: The Japan Times

Ảnh: The Japan Times

Theo cơ chế mới, người lao động nước ngoài giờ đây có thể thay đổi công ty sử dụng lao động trong cùng ngành với một số điều kiện nhất định, miễn là họ đã làm việc ở một nơi trong hơn 1 năm và bảo đảm khả năng tiếng Nhật cũng như chuyên môn có thể đáp ứng các yêu cầu nhất định. Các công ty tư nhân sẽ bị loại khỏi hoạt động hỗ trợ chuyển việc nhằm ngăn chặn những kẻ môi giới lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người lao động để chèn ép và trục lợi. Các tổ chức giám sát tiếp nhận lao động nước ngoài sẽ phải chỉ định kiểm toán viên độc lập từ bên ngoài để nâng cao trách nhiệm giải trình.

Đối với chương trình lao động có tay nghề đặc định được đưa ra vào năm 2019 để thu hút lao động nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản trong những năm gần đây đã mở rộng phạm vi các ngành được cấp thị thực Lao động đặc định số 1 dành cho lao động có tay nghề và Lao động đặc định số 2 dành cho lao động có tay nghề cao. Người nước ngoài có thị thực Lao động đặc định 1 được phép làm việc tối đa 5 năm tại Nhật Bản trong những ngành nghề được quy định. Những người đã sở hữu tư cách Lao động đặc định 1 có thể được nâng lên tư cách Lao động đặc định số 2 nếu đáp ứng những điều kiện nhất định. Tư cách Lao động đặc định số 2 có quyền lợi gần như tương đương với thường trú nhân, được phép đưa thành viên gia đình đến Nhật Bản cùng sinh sống.

Theo Cơ quan Dịch vụ Di trú của Nhật Bản, năm 2023, số lượng người nước ngoài cư trú tại quốc gia này đã tăng 10,9% so với năm 2022. Bằng cách sửa đổi luật, Chính phủ Nhật Bản muốn bảo đảm rằng, người lao động nước ngoài sẽ ở lại nước này lâu hơn, từ đó giúp giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong một xã hội đang già đi nhanh chóng.

Con dao hai lưỡi

Các vùng nông thôn tại Nhật Bản lại coi biện pháp mới của Chính phủ là con dao hai lưỡi. Một mặt, các doanh nghiệp coi đây là chìa khóa để cải thiện điều kiện làm việc, mặt khác nhiều doanh nghiệp khác lại lo ngại về khả năng dòng chảy lao động sẽ đổ về các khu vực thành thị.

Một trong số những doanh nghiệp có quan điểm lo ngại như vậy là Abecho - công ty chế biến hải sản ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi. Công ty này vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng kể từ sau khi trận động đất lớn ở miền Đông Nhật Bản vào tháng 3.2011 tấn công Ishinomaki và các khu vực lân cận. Chính vì vậy, công ty đã phải dựa vào lực lượng lao động nhập cư để giải quyết khó khăn. Ban lãnh đạo hãng đã bắt đầu nhận thực tập sinh từ năm 2014 và trả cho họ mức lương khởi điểm 943 yen/giờ (6 USD), cao hơn mức lương tối thiểu của tỉnh.

Tuy nhiên, sau đó, triển vọng kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn hơn, khi sản lượng khai thác giảm và chi phí nguyên liệu bị đẩy lên do đồng yen yếu hơn. Công ty cho biết, họ không đủ khả năng trả lương cho công nhân của mình ở mức cạnh tranh với các công ty ở khu vực Thủ đô Tokyo. Hệ quả là nhiều thực tập sinh cũ của công ty đã tìm kiếm những công việc được trả lương cao hơn bên ngoài tỉnh Miyagi. Do đó, tình hình sẽ càng trở nên khó khăn hơn nữa khi các quy định sửa đổi của Chính phủ Nhật Bản được áp dụng.

Tại các địa phương cũng phải đối mặt với bài toán giữ chân nhân tài. Trong khi Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cho phép người lao động chuyển đổi công việc sau khi đã làm việc từ một năm trở lên, một số thành viên trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã đề xuất nâng mức giới hạn thành hai năm để giảm bớt mối lo bị mất nhân tài của các địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp đặt các biện pháp hạn chế người lao động thay đổi công việc sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Trong bối cảnh các lao động nhập cư đang dần có được cơ hội việc làm linh hoạt hơn, các khu vực ít dân cư tại Nhật Bản cũng đang cố gắng đưa ra những đề nghị hấp dẫn hơn, cũng như tăng cường các chính sách hỗ trợ để thu hút nhân tài.

Theo đó, chính quyền tỉnh Kochi bắt đầu đưa ra chương trình hỗ trợ 300.000 yen (1.900 USD) cho người nước ngoài tham gia các lớp học về ngôn ngữ và văn hóa địa phương trước khi đến Nhật Bản, sau đó làm việc ở đây trong 3 năm. Chính quyền tỉnh cũng đang trợ cấp 1,2 triệu yen cho các tổ chức giáo dục địa phương để hỗ trợ người lao động. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Kanagawa cũng đã thành lập một nhóm hỗ trợ, cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện cho người nước ngoài tới làm việc tại tỉnh. Tuy vậy cho đến nay, hệ thống này vẫn chưa đạt được nhiều hiệu quả.

Tác động tiêu cực từ thị trường tiền tệ

Một thách thức khác mà Nhật Bản đang phải đối mặt trong việc thu hút lao động nhập cư là những biến động trên thị trường tiền tệ. Trong phiên giao dịch hôm 26.6, đồng yen Nhật tiếp tục đà rớt giá, chạm mức thấp nhất trong vòng gần 40 năm so với USD. Hiện tại, tỷ giá cặp USD/yen tăng tới 0,45% lên 160,30 yen đổi 1 USD.

Các chuyên gia nhận định rằng, suy yếu của đồng yen là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế, không chỉ khiến chi phí nhập khẩu ngày càng trở nên đắt đỏ hơn mà còn ảnh hưởng đến tiền lương thực tế. Hơn nữa, mức lương của Nhật Bản vốn đã thấp so với các nước phát triển khác. Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình của Nhật Bản tính bằng đồng USD xếp thứ 25 trong số 38 quốc gia. Chính vì vậy, Nhật Bản sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc tuyển dụng sinh viên tài năng từ quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, để Nhật Bản vượt trội trong việc thu hút nhân tài, các công ty tuyển dụng cần cam kết tăng lương để chấm dứt đà giảm tiền lương thực tế trong tài khóa 2024, qua đó bảo đảm cuộc sống cho người lao động; đồng thời cần đơn giản hóa các thủ tục tìm việc, xây dựng một hệ thống hỗ trợ nâng cao kỹ năng liên tục và trình độ tiếng Nhật sau khi các cá nhân đến nước này.

Hãng tin Nikkei Asia nhận định, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn đang thận trọng với việc tăng lãi suất, đồng yen sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực, khiến mức lương trở nên thu hẹp hơn cho sinh viên nước ngoài. Do vậy, việc tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề cao và các thực tập sinh kỹ thuật cho các công ty thiếu nhân lực sẽ càng khó khăn hơn.

Châu Anh (Theo Japan Times; Kyodo News)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/luat-nhap-cu-moi-va-bai-toan-thieu-hut-lao-dong-i377522/