Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc khai thác trái phép than ở Sơn La

Báo Nhân Dân đã có bài phản ánh về việc buông lỏng quản lý và cần làm rõ trữ lượng khai thác than trái phép tại mỏ than Suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cách đây 4 năm. Đã có rất nhiều sai phạm được người dân phản ánh trong quá trình khai thác than tại đây, như: Khai thác trái phép, chôn lấp chất thải, vi phạm Luật Lâm nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của người dân… Vậy sau từng đó năm, những sai phạm nói trên có được khắc phục, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật?

Khu vực khai thác than của Công ty KS tại mỏ than Suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Khu vực khai thác than của Công ty KS tại mỏ than Suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Như Báo Nhân Dân đã phản ánh trước đó, mỏ than Suối Bàng có trữ lượng khoảng 237.500 tấn, nằm trên địa bàn xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ngày 30/8/2011, Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn La (Công ty KS) được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cấp giấy phép khai thác than số 1975/QĐ-UBND.

Theo đó, đơn vị này được phép khai thác than tại điểm mỏ than Suối Bàng bằng phương pháp khai thác hầm lò trên diện tích gần 45ha. Cũng theo giấy phép, Công ty KS được phép khai thác với công suất tối đa 25.000 tấn/năm, liên tục trong vòng 10 năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty KS đã khai thác không thực hiện đúng giấy phép được cấp là khai thác hầm lò mà tự ý khai thác theo phương pháp lộ thiên. Nhiều nội dung cam kết khác như trong giấy phép đề cập không được thực hiện…

Nhiều sai phạm

Từ những vi phạm thời điểm nói trên, Công ty KS đã làm nhiều quả đồi bị đào xới tan hoang, nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất “không cánh mà bay”. Nhiều km đường giao thông bị hàng đoàn xe tải hạng nặng ngày đêm quần nát.

Bụi than, bụi đất vây phủ, bóp nghẹt không gian sống của các hộ dân sinh sống gần khai trường. Không những vậy, đơn vị khai thác còn ngang nhiên đổ thải theo dọc triền núi, gây ô nhiễm nguồn nước, khiến cho sản xuất của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân và báo cáo của Sơn La, hoạt động khai thác than Công ty KS đã làm ảnh hưởng nhiều diện tích rừng.

Theo phản ánh của người dân và báo cáo của Sơn La, hoạt động khai thác than Công ty KS đã làm ảnh hưởng nhiều diện tích rừng.

Được biết, sau những phản ánh của người dân và các cơ quan báo chí vào thời điểm nói trên, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền cơ sở vào cuộc kiểm tra, rà soát, xác minh… Thậm chí, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La còn thành lập Tổ rà soát theo Quyết định 714/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc hỗ trợ giải quyết tồn tại, vi phạm và tháo gỡ vướng mắc trong khai thác than tại mỏ than Suối Bàng.

Trong Kế hoạch số 06/KH-TCT ngày 6/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ rõ những tồn tại, vi phạm của Công ty KS trong lĩnh vực khoáng sản, như: Chưa làm rõ khối lượng than từ cốt +830m đến cốt +750m. Theo dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2019 do Công ty KS lập và được thẩm định của Sở Công thương thì có thiết kế khai thác từ cốt +750m đến cốt +830m với khối lượng khoảng 42.000 tấn.

Mặt khác, theo báo cáo thăm dò mỏ than Suối Bàng được phê duyệt tại Quyết định số 479/CNNg-KHKT ngày 6/11/1991 của Bộ Công nghiệp (có số hiệu lưu trữ T255) thì trữ lượng than từ cốt +830m đến cốt +750 trên diện tích đã cấp phép cho Công ty KS có khoảng trên 92.724 tấn.

Các hộ dân tại bản Nà Lồi, xã Suối Bàng cho rằng việc khai thác than đã gây ra việc trượt sạt, đất đá và xỉ than, than trôi xuống phía dưới khi có mưa.

Các hộ dân tại bản Nà Lồi, xã Suối Bàng cho rằng việc khai thác than đã gây ra việc trượt sạt, đất đá và xỉ than, than trôi xuống phía dưới khi có mưa.

Cùng với đó, về lĩnh vực môi trường, Công ty KS đã thực hiện việc chôn lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường (lượng đất đá phát sinh trong quá trình khai thác) trái quy định về bảo vệ môi trường vào bãi thải Pưa Ta với diện tích 138.783,07m2; tại bãi thải bản Bó là 218.085,8m2.

Về lĩnh vực đất đai, ngoài việc lấn chiếm 0,5336 ha đất trồng lúa, 0,4ha đất nương rẫy trồng cây hàng năm, Công ty KS còn lấn chiếm 33,69ha đất rừng sản xuất…

Sau từng ấy năm, với những sai phạm, tồn tại không biết đã được phía Công ty KS khắc phục và tỉnh Sơn La chỉ đạo làm rõ chưa, thì từ đầu năm đến nay, Báo Nhân Dân liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty KS vẫn tiếp tục khai thác than khi chưa được cấp phép, kéo dài thời gian xây dựng cơ bản mỏ để khai thác than và nhiều hộ dân tiếp tục bị ảnh hưởng về môi trường, nguy cơ mất an toàn từ mỏ than này đến các hộ dân…?

Giải pháp nào?

Để hỗ trợ, giải quyết những tồn tại, vi phạm và tháo gỡ vướng mắc trong khai thác than tại mỏ than Suối Bàng, tỉnh Sơn La đã có rất nhiều cuộc họp bàn, thậm chí còn nhiều lần thành lập các đoàn công tác trực tiếp do lãnh đạo tỉnh kiểm tra, rà soát thực địa và nắm tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân được cho là bị ảnh hưởng của việc khai thác than; giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho phía Công ty KS...

Tỉnh Sơn La đã thành lập nhiều đoàn công tác, chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra, đánh giá về nguy cơ trượt, sạt để có phương án di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Tỉnh Sơn La đã thành lập nhiều đoàn công tác, chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra, đánh giá về nguy cơ trượt, sạt để có phương án di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Gần đây nhất là vào tháng 8/2024, phóng viên Báo Nhân Dân lần đầu tiên được tham gia thực địa cùng đoàn công tác của tỉnh Sơn La do đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La làm Trưởng đoàn cùng các sở, ngành, cơ quan chức năng, huyện, xã và các cơ quan báo chí vào kiểm tra, xác minh để có phương án di dời khẩn cấp 8 hộ dân mà theo như phản ánh của người dân là do ảnh hưởng của việc khai thác than của Công ty KS tại mỏ than Suối Bàng.

Thực địa cho thấy, rất nhiều diện tích lúa, hoa màu bị vùi lấp đất đá cùng than, xỉ than và nhà cửa của các hộ dân bị ảnh hưởng, trước nguy cơ trượt, sạt. Tiếp xúc và trao đổi với người dân sinh sống nơi đây đều tiếp nhận được những tâm tư lo lắng việc Công ty KS khai thác than gây ảnh hưởng đến môi trường sống, sản xuất và nơi ở của họ.

Tỉnh Sơn La đã yêu cầu Công ty KS tạm dừng các hoạt động gia tăng sức chịu tải của bãi thải đang gây sự cố.

Tỉnh Sơn La đã yêu cầu Công ty KS tạm dừng các hoạt động gia tăng sức chịu tải của bãi thải đang gây sự cố.

Ông Cầm Văn Yêu, bản Nà Lồi, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, một trong 9 hộ bị ảnh hưởng đợt 2, cho biết: Năm 1980 tôi xây dựng gia đình và sinh sống tại đây. Khi chưa có hoạt động khai thác than, người dân không phải lo lũ ống, lũ quét kèm theo than, xỉ thải, đất, đá tràn vào nhà. Trước lòng suối chỉ 80cm đến 1m, mưa có to đến mấy cũng không ảnh hưởng đến các hộ dân.

“Tháng 8 vừa rồi, khi mưa xuống phải di chuyển lên nhà văn hóa ở hoặc các hộ khác phải ở nhờ nhà người thân trong bản tại vị trí không nguy hiểm. Hiện tại, các hộ vẫn phải canh chừng nếu mưa xuống phải di chuyển ngay, vì họ vẫn khai thác ngày đêm, bãi đổ thải ngày một nhiều…”, ông Cầm Văn Yêu thông tin thêm.

Trao đổi với báo chí tại thực địa, ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, nói: Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo huyện di chuyển đợt một 8 hộ dân phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới. Trong đó, phía Công ty KS cũng đã hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng để di chuyển nhà. Các hộ sẽ được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về điện, nước…Để đánh giá sạt trượt, ô nhiễm môi trường có phải do từ bãi xả thải của Công ty KS hay không thì cơ quan nhà nước cần phải thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá thì mới kết luận được việc đó.

Đoàn công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La kiểm tra thực địa tại khu vực khai thác than của Công ty KS tại mỏ than Suối Bàng.

Đoàn công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La kiểm tra thực địa tại khu vực khai thác than của Công ty KS tại mỏ than Suối Bàng.

Ông Đặng Ngọc Hậu cũng khẳng định: Tỉnh Sơn La và huyện Vân Hồ rất kiên quyết trong việc quản lý khoáng sản và toàn bộ khoáng sản sẽ được qua trạm cân và camera giám sát. Quan điểm của tỉnh Sơn La với khoáng sản, đất đai là không có vùng cấm và xác định rõ là cứ theo quy định của pháp luật mà làm.

Tại cuộc làm việc với ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, được biết: Sau thời gian hết giấy phép cấp trước đó, đến ngày 19/4/2024, Công ty KS đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 719/GP-UBND, với trữ lượng đưa vào thiết kế 303.789 tấn, trữ lượng khai thác 226.943 tấn với phương pháp khai thác lộ thiên kết hợp khai thác hầm lò. Trong đó, công suất khai thác lộ thiên 50.000 tấn/năm và khai thác hầm lò 12.500 tấn/năm.

Ông Phùng Kim Sơn cũng cho biết: Năm đầu Công ty KS sẽ khai thác lộ thiên kết hợp với xây dựng cơ bản mỏ. Năm 2 và 3 khai thác lộ thiên, 8 năm cuối khai thác hầm lò. Khoảng 6 tháng nữa sẽ hoàn tất việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát tại đây…

Theo báo cáo của Tổ rà soát theo Quyết định 714/QĐ-UBND ngày 6/9/2024, Công ty KS Sơn La đã lấn chiếm 33,69ha rừng sản xuất.

Theo báo cáo của Tổ rà soát theo Quyết định 714/QĐ-UBND ngày 6/9/2024, Công ty KS Sơn La đã lấn chiếm 33,69ha rừng sản xuất.

Công ty KS bắt đầu đăng ký xây dựng cơ bản mỏ từ 17/5/2024, ngày khai thác 17/9/2024 theo công văn số 48/CV-KSSL đã gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Ủy ban nhân dân huyện Vân Hồ và xã Suối Bàng. Tuy nhiên, trước đó theo phản ánh của người dân và thực tế ghi nhận tại đây đã có hoạt động khai thác than rồi?

Sau đó, vào ngày 2/8/2024, Công ty KS có văn bản số 70/CV-KSSL xin tạm dừng xây dựng cơ bản mỏ do ảnh hưởng của thời tiết, mưa lũ và đến ngày 4/9/2024, Công ty KS có công văn số 77/CV-KSSL về việc tiếp tục xây dựng cơ bản mỏ từ ngày 6/9/2024.

Đến ngày 18/11/2024, phía Công ty KS tiếp tục có công văn số số 96/CV-KSSL về việc kéo dài thời gian xây dựng cơ bản mỏ than Suối Bàng với lý do việc xây dựng chưa hoàn thành và gặp khó khăn trong xây dựng.

Theo văn bản do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp: Nguyên nhân sạt trượt là do khối lượng đổ thải tại bãi thải lớn. Vị trí sạt, trượt là khe tụ thủy, nơi tiếp nhận nguồn nước mặt với diện tích lưu vực khoảng 300ha, địa chất là các trầm tích bở rời tàn tích, sườn tích, địa hình dốc.

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác làm việc với huyện Vân Hồ, xã Suối Bàng để bàn giải pháp hỗ trợ, di chuyển các hộ dân trong diện nguy cơ trượt, sạt.

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác làm việc với huyện Vân Hồ, xã Suối Bàng để bàn giải pháp hỗ trợ, di chuyển các hộ dân trong diện nguy cơ trượt, sạt.

Từ tháng 8 đến tháng 10 hiện tượng mưa bão, lũ nghiêm trọng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khiến lượng nước mặt chảy từ khu vực sườn bãi thải xuống phía chân bãi thải với lưu lượng lớn và thời gian dài, làm lượng đất mặt gần khu vực kè chân bãi thải trương lở gây ra hiện tượng bùng nền, gây áp lực đẩy các rọ đá khỏi bờ kè, gây ra hiện tượng sạt, trượt vào ngày 13/11/2024. Khu vực bị trượt sạt cách khu vực có các hộ dân khoảng 1km nên chưa có hộ dân nào bị ảnh hưởng ?

Hiện nay, tỉnh Sơn La cũng đã chỉ đạo các sở, ngành yêu cầu phía Công ty KS tạm dừng các hoạt động gia tăng sức chịu tải của bãi thải đang bị sự cố; tập trung đưa khu vực bãi thải mỏ về trạng thái an toàn.

Tỉnh Sơn La cũng đưa ra giải pháp phân tách nước chảy bề mặt bằng các đường hào làm hạn chế nước mưa chảy tràn về khe tụ thủy là khu vực sạt, trượt… Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì nơi đây vẫn ngày đêm khai thác than, thậm chí có cả việc chở than bằng tàu xuống tập kết tại huyện Phù Yên để chở đi bán sang các tỉnh lân cận.

Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm rõ hoạt động xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác than.

Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm rõ hoạt động xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác than.

Trao đổi với ông Phan Quý Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên, được biết: Ngay sau khi nắm được thông tin, phát hiện ra việc trung chuyển than tại khu vực xã Tường Tiến, Ủy ban nhân dân huyện đã cử đoàn công tác xuống kiểm tra, có công văn chỉ đạo yêu cầu tạm dừng hoạt động tại điểm trung chuyển xây dựng trên đất hành lang giao thông và đất hành lang bảo vệ nguồn nước của vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Huyện Phù Yên cũng đã yêu cầu phía công ty liên hệ với các cơ quan chuyên môn để làm các thủ tục cần thiết và được cấp phép hoạt động bảo đảm đúng quy định và phù hợp quy hoạch. Yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Tường Tiến giám sát việc dừng hoạt động tập kết, trung chuyển than, bảo đảm thực hiện nghiêm theo đúng quy định…

Qua làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, được biết: Hiện tại, Sở và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã làm việc với Công ty KS về tình hình, giải pháp, biện pháp trước mắt, lâu dài trong tổ chức thực hiện khắc phục, cải tạo. Kiểm tra thực địa, đánh giá mức độ an toàn và đề xuất thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục triệt để các sự cố sạt trượt.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát việc thực hiện thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật mỏ than Suối Bàng; xác định rõ hoạt động xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác. Trong trường hợp các hoạt động của Công ty KS vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật…

QUỐC TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-va-xu-ly-nghiem-viec-khai-thac-trai-phep-than-o-son-la-post850604.html