Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa dịp tết Nhâm Dần 2022

Trong những ngày cuối năm, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán năm 2022, nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa của người dân càng tăng cao. Chính vì vậy, nhiều đối tượng sẽ lợi dụng tình hình này để thực hiện các hành vi gian lận trong kinh doanh, mua bán những hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng gian để trục lợi bất chính. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ người dân mua sắm trong dịp tết Nhâm Dần sắp tới.

Không khí mua sắm Tết tại Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng khá nhộn nhịp, nhiều mặt hàng phục vụ Tết được siêu thị trưng bày rất đẹp mắt, thu hút nhiều khách đến tham quan, mua sắm. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hà - phụ trách Co.opmart Sóc Trăng, để phục vụ cho thị trường tết Nguyên đán năm 2022, ngay từ đầu tháng 12-2021, siêu thị đã chủ động dự trữ nguồn hàng hóa với tổng trị giá trên 10 tỉ đồng. Hiện tất cả các mặt hàng phục vụ Tết đều có mặt tại siêu thị phục vụ người dân. "Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, sức mua của người dân giảm so với cùng kỳ nhưng không vì thế mà siêu thị không đầu tư cho các mặt hàng Tết, nhất là các hàng hóa thiết yếu, gia vị, bánh, mứt… đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng để người dân lựa chọn và yên tâm mua sắm" - chị Hà cho biết thêm.

Các mặt hàng bánh, mứt... được lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra. Ảnh: H.LAN

Các mặt hàng bánh, mứt... được lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra. Ảnh: H.LAN

Để phục vụ cho thị trường Tết, Siêu thị Ánh Quang Plaza chuẩn bị nguồn hàng hóa dự trữ trên 17 tỉ đồng, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết. Anh Văn Kim Quang - quản lý Siêu thị Ánh Quang Plaza cho biết: “Khoảng hơn tháng nay, siêu thị liên tục nhập lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết, nhất là bánh, kẹo, các loại hạt, nước ngọt, rượu, bia… để bán Tết. So với Tết năm trước, doanh thu siêu thị sụt giảm do sức mua của người dân giảm, vì vậy siêu thị đàm phán với các nhà cung cấp để có mức giá tốt nhất phục vụ người dân. Đồng thời, lựa chọn các mặt hàng bình dân hơn để nhiều người dân có thể tiếp cận được hàng hóa Tết”.

Tại cửa hàng bách hóa tổng hợp Minh Kiều, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), số lượng người dân đến mua sắm Tết rất ít. Theo chia sẻ của anh La Hữu Minh - chủ cửa hàng, thường trước Tết khoảng nửa tháng thì bà con mới tập trung mua hàng Tết. Vì vậy, cửa hàng chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ bà con vui xuân đón Tết.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài trong nhiều tháng đã tác động tiêu cực đến thu nhập, đời sống của người dân. Dù Tết cổ truyền đã cận kề nhưng sức mua tại các siêu thị, cửa hàng giảm rõ so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng tăng giá so với năm trước nên người tiêu dùng càng e dè hơn trong lựa chọn, mua sắm Tết.

Chị Chu Thị Tươi, ở xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) bộc bạch: “Do dịch bệnh nên tôi đã mất việc làm, thu nhập. Năm nay, gia đình hạn chế mua sắm Tết, chỉ ưu tiên mua các mặt hàng thiết yếu và đồ dùng cá nhân cho các thành viên trong gia đình”. Còn cô Đoàn Thị Oanh, ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết, gia đình kinh doanh quán ăn uống, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình nên Tết năm nay cô mua sắm tiết kiệm hơn năm rồi, chỉ ưu tiên các mặt hàng thật sự cần thiết trong những ngày Tết cổ truyền.

Mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng đã trở thành truyền thống, Tết là thời gian cao điểm mua sắm của người dân. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các mặt hàng phục vụ người dân trong tết Nhâm Dần 2022 ngay từ đầu tháng 12-2021. Đồng chí Nguyễn Hùng Em - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục QLTT và của UBND tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh, thời gian triển khai cao điểm từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 15-2-2022. Thực hiện kế hoạch này, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, trong đó chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống… được tiêu dùng nhiều trong dịp tết Nguyên đán và các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tay, thuốc chữa bệnh… Kết quả, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 450 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Hùng Em cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, tình hình sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa phục vụ Tết đã bắt đầu được tăng cường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, thời trang, quần áo, thực phẩm… rất đa dạng, phong phú với nhiều mẫu mã, kiểu dáng, nhất là hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, trong thời gian qua, Cục QLTT thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kiểm tra hàng Việt về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, việc ghi nhãn, hạn sử dụng hàng hóa… để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Song song với công tác kiểm tra, đơn vị phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh các quy định của pháp luật, nhằm góp phần hạn chế các hành vi vi phạm, đảm bảo chất lượng hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Càng cận Tết thì sức mua của người dân càng tăng mạnh, vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là cần thiết, nhằm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, giá cả hợp lý để người dân có thể an tâm mua sắm và đón cái Tết thật vui tươi, ý nghĩa bên gia đình sau một năm khó khăn, vất vả vì dịch bệnh.

H.LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/tang-cuong-kiem-tra-kiem-soat-thi-truong-hang-hoa-dip-tet-nham-dan-2022-54416.html