Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm
Sáng 7/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm (ATTP). Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục quản lý dược đã báo cáo về công tác quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Theo đó, thời gian qua thị trường dược phẩm Việt Nam tăng trưởng mạnh. Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực triển khai nhiều hoạt động đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để. Còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý chất lượng, đấu tranh chống thuốc giả. Việc cơ sở bán buôn, bán lẻ mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ là nguyên nhân chính để thuốc giả có thể xâm nhập vào thị trường dược phẩm hợp pháp; quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ… chưa đủ tính nghiêm khắc, răn đe; chưa phù hợp với mức độ nguy hiểm/tác hại gây ra của hành vi vi phạm. Chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong thực hiện thủ tục công bố sản phẩm là thiết bị y tế. Các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo với các tính năng tác dụng như hoặc gần như công dụng của thuốc chữa bệnh, làm người dân nhầm tưởng là thuốc chữa bệnh. Một bộ phận người dân có thói quen mua thuốc, tự sử dụng thuốc để chữa bệnh theo lời khuyên của người quen, hoặc qua quảng cáo mà không đến khám bệnh tại cơ sở y tế hoặc mua thuốc tại cơ sở cung ứng thuốc hợp pháp. Việc quản lý của chính quyền cơ sở còn nhiều bất cập…

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị tại Hà Nội.
Đối với vấn đề ATTP, theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, hệ thống pháp luật quản lý về ATTP tương đối đồng bộ. Chế tài xử lý vi phạm về ATTP đã được quy định tương đối đầy đủ. Hằng năm, thông qua công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về ATTP. Tuy nhiên tình trạng thực phẩm giả đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Các sản phẩm giả thường được sản xuất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật và chủ yếu được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử… Nguyên nhân do việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm giả mang lại lợi nhuận lớn, trong khi chi phí đầu tư thấp, khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi này. Bên cạnh đó hệ thống pháp luật và công tác quản lý còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho những doanh nghiệp làm ăn không chân chính lợi dụng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng. Nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ và phân biệt rõ được thực phẩm, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe; dễ tin vào quảng cáo sai sự thật, mua hàng qua mạng mà không kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… Lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện công tác này còn mỏng và thiếu,..
Tại hội nghị, đại biểu của các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận nêu những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng; bảo đảm ATTP; công tác thanh tra, kiểm tra, việc tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân… Từ đó đưa ra các giải pháp, tập trung vào việc cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, quyết liệt trong công tác tổ chức thực hiện. Thực hiện rà soát các quy định của pháp luật về xử lý, xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ (trường hợp chưa phải xử lý hình sự). Siết chặt việc quản lý việc công bố thiết bị y tế, thực phẩm chức năng. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Công điện số 41/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về ATTP. Nghiên cứu đề xuất tăng mức chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm ATTP; thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về ATTP liên thông từ trung ương đến địa phương để quản lý và giám sát hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…