Tăng cường kiểm trao giao thông đường thủy
Từ vụ tàu du lịch ở An Giang tông vào phà chở khách trên sông Tiền khiến 3 người thương vong, các ngành chức năng ở ĐBSCL đang tập trung nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường thủy
Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi dày đặc với hơn 8.118 km. Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư, phát triển mạnh nhưng giao thông đường thủy vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân nơi đây.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau, cho biết nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm ATGT đường thủy, đoàn kiểm tra liên ngành đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra các bến đò đưa khách ngang sông nói riêng và phương tiện tham gia đường thủy nói chung. Qua đó, nhằm kịp thời nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy.
Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn khẩn trương rà soát các bến đò đưa khách ngang sông. Những cơ sở đủ điều kiện thì làm thủ tục cấp phép, nếu không đủ điều kiện thì kiên quyết cấm hoạt động để bảo đảm an toàn cho người dân.
Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 549 cảng, bến thủy nội địa. Trong năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức 82 cuộc kiểm tra với 260 phương tiện. Qua đó, lực lượng làm nhiệm vụ đã lập biên bản vi phạm hành chính 63 trường hợp, đình chỉ hoạt động 26 phương tiện…
Ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Cần Thơ, cho biết ban vừa tham mưu cho UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và cao điểm hè trên địa bàn.
Huy động 100% nhân lực tuần tra
Tỉnh Kiên Giang có gần 3.000 km đường thủy nội địa với hơn 70.000 phương tiện thủy nội địa cùng hàng trăm bến khách qua sông. Kiên Giang cũng là địa phương ở ĐBSCL có nhiều cảng hành khách nhất, tập trung các loại phương tiện tàu, phà cao tốc chở khách hiện đại và lớn nhất nước.
Trong đó, tuyến Rạch Giá - Phú Quốc có 4 hãng tàu - phà khai thác, với hơn 10 phương tiện có sức từ khoảng 300 đến 700 khách, chạy liên tục hơn 10 chuyến đi và về trong ngày giữa TP Rạch Giá và TP Phú Quốc. Tương tự, tuyến TP Hà Tiên đi TP Phú Quốc và ngược lại cũng chủ yếu bằng tàu cao tốc và phà cao tốc với lịch chạy dày đặc; nhiều tuyến cao tốc bằng tàu thủy từ các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc đi các đảo và ngược lại.
Các phương tiện tàu, phà cao tốc chở khách ở Kiên Giang được thiết kế rất chắc chắn, có thể hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết xấu, gió giật cấp 7-8, biển động. Xác suất va chạm giữa các tàu - phà hoạt động trên các tuyến biển hầu như bằng 0. Tuy vậy, công tác bảo đảm ATGT đường thủy luôn được lực lượng chức năng chú trọng, nhất là sắp vào mùa mưa bão với diễn biến thời tiết khó lường.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn khi mưa lũ, hằng năm lực lượng chức năng luôn huy động 100% nhân lực tuần tra trên các tuyến chính, chốt trực tại các "điểm đen".
"Với địa hình đặc thù của Kiên Giang, địa phương kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quy định cụ thể vùng nước thủy nội địa khu vực ven bờ, quanh các đảo trong phạm vi 10 - 12 hải lý; đồng thời cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa để tránh chồng chéo trong công tác quản lý hoạt động vận tải tuyến từ bờ ra đảo" - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-cuong-kiem-trao-giao-thong-duong-thuy-196240423220848338.htm