Tăng cường ký kết chương trình phối hợp phát triển du lịch trọng điểm trên địa bàn Thủ đô

Chiều 9/7, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp xây dựng đề án 'Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trọng điểm quận Ba Đình đến năm 2025, tầm nhìn 2040' giữa quận Ba Đình và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.

Tổng Công ty Du lịch Hà Nội - Hanoitourist, tiền thân là Công ty Du lịch Hà Nội, thành lập ngày 25/3/1963; trải qua 61 năm xây dựng và phát triển, năm 2024 này sẽ tròn 20 năm thành lập Tổng Công ty. Là một trong 5 Tổng Công ty trực thuộc Ủy ban thành phố Hà Nội; với gần 40 đơn vị trực thuộc, công ty thành viên, công ty cổ phần, công ty liên doanh liên kết với trong và ngoài nước, có gần 4.000 lao động và là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh du lịch của cả nước.

Lễ ký kết chương trình phối hợp xây dựng đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trọng điểm quận Ba Đình đến năm 2025, tầm nhìn 2040” giữa quận Ba Đình và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.

Lễ ký kết chương trình phối hợp xây dựng đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trọng điểm quận Ba Đình đến năm 2025, tầm nhìn 2040” giữa quận Ba Đình và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.

Trong đó, quận Ba Đình là một trong bốn quận nội thành của Hà Nội, là một vùng đất giữ vị trí trọng yếu của Kinh thành Thăng Long xưa cũng như có vị trí trung tâm của Thủ đô Hà Nội ngày nay. Nếu quận Hoàn Kiếm được ví là trái tim của Thủ đô, thì quận Ba Đình lại là khối óc của cả nước, vùng đất duy nhất của cả nước được lựa chọn là trung tâm hành chính, chính trị, quyền lực lâu đời nhất của Việt Nam. Đặc điểm này là giá trị đặc trưng, không thể có nơi nào sánh được.

“Trên địa bàn quận Ba Đình hiện tập trung nhiều cơ quan đầu não, quan trọng của Đảng, Nhà nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Trong đó, có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng Di tích cấp Thành phố, Quốc gia và đặc biệt quan trọng như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Hoàng thành Thăng Long; đền Quán Thánh và đền Voi Phục nằm trong “Thăng Long tứ trấn”; chùa Một Cột; cột cờ Hà Nội cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa khác. Do vậy, tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của quận là rất lớn”, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đánh giá.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Trên cơ sở thực hiện các Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ...

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, thời gian vừa qua, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đã phối hợp với nhiều đơn vị trên địa bản Thủ đô để xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch đặc sắc như: Phối hợp Hoàn thiện sản phẩm du lịch Tour đêm Hoàng thành Thăng Long; Tour đêm Nhà tù Hỏa Lò; Tour “Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám”; Phối hợp để xây dựng đề án Tour Nhà hát cải lương Hà Nội… thu hút và được rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, sử dụng và đánh giá rất cao, góp phần vào mục tiêu của Thủ đô phát triển bền vững, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc, vừa là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng, Hấp dẫn”.

Hoàng thành Thăng Long nằm trên địa bàn quận Ba Đình là công trình kiến trúc đồ sộ và là quần thể di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích tại Việt Nam.

Hoàng thành Thăng Long nằm trên địa bàn quận Ba Đình là công trình kiến trúc đồ sộ và là quần thể di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích tại Việt Nam.

Với năng lực phát triển các sản phẩm du lịch của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của quận Ba Đình, việc nghiên cứu và triển khai các sản phẩm du lịch đặc thù, trọng điểm trên địa bàn của quận là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch quận Ba Đình nói riêng và du lịch Hà Nội phát triển đột phá, bền vững và hiệu quả.

Bước đầu, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đã cùng quận Ba Đình phối hợp với các chuyên gia thực hiện việc khảo sát thực tế và đánh giá tiềm năng và thực trạng du lịch trên địa bàn quận Ba Đình, trên cơ sở đó nhận biết chính xác để tiếp tục tập trung phát triển và đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới như: Sản phẩm du lịch MICE kết hợp với trải nghiệm văn hóa và ẩm thực; tuyến tham quan di tích lịch sử - văn hóa và các công trình kiến trúc nổi tiếng như cụm Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, đền Quan Thánh; tuyến đi bộ Trúc Bạch và Phạm Huy Thông. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành bản dự thảo Đề cương chi tiết việc Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trọng điểm quận Ba Đình đến năm 2025, tầm nhìn 2040, làm tiền đề để triển khai các công việc cụ thể tiếp theo.

Chùa Trấn Quốc cũng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thủ đô.

Chùa Trấn Quốc cũng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thủ đô.

Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, trên cơ sở tiềm năng và lợi thế sẵn có của quận Ba Đình và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, để triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trọng điểm Quận Ba Đình đến năm 2025, tầm nhìn 2040”, trong thời gian tới quận Ba Đình, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và các đơn vị, liên quan sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ba Đình lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các chương trình công tác của quận về lĩnh vực du lịch đồng thời phù hợp với định hướng phát triển du lịch của Trung ương, chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam và thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ phận chức năng của quận và Tổng Công ty cũng như phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia được mời tham gia để triển khai các hạng mục của đề án đảm bảo tiến độ, lộ trình; phối hợp nắm bắt hiệu quả thông tin truyền thông, thống kê và phản hồi của du khách với các dịch vụ, sản phẩm đã triển khai để điều chỉnh, hoàn thiện và xây dựng những sản phẩm tiếp theo.

Đặc biệt, phối hợp các cơ quan, đơn vị hoạt động trong ngành du lịch trên địa bàn thành phố và toàn quốc để truyền thông, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch sử dụng các dịch vụ, sản phẩm du lịch của quận Ba Đình cũng như của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội...

Tin tưởng rằng, với tiềm năng và lợi thế của hai bên, việc hợp tác triển khai phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trọng điểm quận Ba Đình đến năm 2025, tầm nhìn 2040, giữa quận Ba Đình và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội trong thời gian tới sẽ thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng quận Ba Đình, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và Thủ đô Hà Nội ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-ky-ket-chuong-trinh-phoi-hop-phat-trien-du-lich-trong-diem-tren-dia-ban-thu-do-173458.html