Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy

Ngày 16-8, Ban TVTU ban hành Công văn số 719-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngày 16-8, Ban TVTU ban hành Công văn số 719-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 1.002 vụ cháy, làm chết 47 người, bị thương 45 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 492 tỷ đồng. Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy chủ yếu do sự cố thiết bị điện, sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt... Tại tỉnh Nam Định, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 4 vụ cháy, do chủ động làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) nên không có thiệt hại về người, thiệt hại nhỏ về tài sản, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ phức tạp.

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC-CNCH, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh; Ban TVTU yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 02-KL/TW; các quy định của pháp luật về PCCC-CNCH và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ công tác PCCC-CNCH năm 2022. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCCC-CNCH. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC-CNCH; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn cháy, nổ, tai nạn, sự cố, không để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và tài sản. UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, Ban Chỉ đạo PCCC-CNCH các cấp tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 01/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ PCCC-CNCH năm 2022. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm đến các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH; phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, nhất là lực lượng dân phòng. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC theo chuyên đề đối với một số loại hình cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao, nhất là khu tập trung đông dân cư, các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, vũ trường, quán bar, karaoke... Đồng thời phải đảm bảo điều kiện an toàn theo quy định của pháp luật về PCCC khi thực hiện các dự án quy hoạch đô thị, dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí. Quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm trang bị phương tiện, thiết bị cần thiết, phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC./.

Xuân Thu

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5083/202208/tang-cuong-lanh-dao-chi-dao-cong-tac-phong-chay-chua-chay-2552538/