Tăng cường liên kết dẫn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Từ tháng 11-2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định đã phối hợp ký thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân (HND), Hội LHPN tỉnh thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Từ tháng 11-2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định đã phối hợp ký thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân (HND), Hội LHPN tỉnh thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm thực hiện, tổ vay vốn và tiết kiệm (VV-TK) đã thực sự trở thành nơi để các thành viên gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân.
Thực hiện thỏa thuận liên ngành phối hợp với HND, Hội LHPN tỉnh, ngay từ năm 2016, Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn tác nghiệp, chấn chỉnh hoạt động cho vay qua tổ VV-TK, hướng dẫn trực tiếp các đơn vị về quy trình cho vay qua tổ, phân loại tổ… Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ từ văn phòng tới các chi nhánh loại 2 với trọng tâm củng cố duy trì hoạt động của tổ VV-TK. Chỉ đạo các chi nhánh loại II, hội sở và phòng giao dịch trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất cho vay, công khai các thủ tục cho vay một cách rõ ràng, minh bạch, chủ động và ưu tiên về nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là chương trình cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Từng bước cải cách thủ tục hồ sơ vay vốn, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau: qua các buổi sinh hoạt chi hội, họp dân, họp xóm, qua bản tin công tác hội, qua Website, phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh… Tổ chức đều đặn các buổi tập huấn cho cán bộ hội cơ sở, tổ trưởng tổ VV-TK về nghiệp vụ; các chính sách tín dụng mới phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tập huấn khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định đã ban hành “Sổ tay cho vay qua Tổ vay vốn”, hướng dẫn từng bước thực hiện quy trình cho vay qua tổ vay vốn cho cán bộ ngân hàng, Ban lãnh đạo tổ và phòng đại diện tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, hàng năm, HND, Hội LHPN tỉnh và Agribank chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp Hội cơ sở; các tổ VV-TK nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý nguồn vốn cho vay. Kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý, khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện; nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật và bảo đảm chất lượng hoạt động của tổ VV-TK. Bình quân hàng năm tổ chức kiểm tra ít nhất 2 huyện, mỗi huyện ít nhất 2 xã với 100% các tổ VV-TK và một số hộ vay trên địa bàn. Bên cạnh đó công tác kiểm tra đột xuất tình hình sử dụng vốn của các hộ vay nhằm phát hiện các trường hợp khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích cũng được quan tâm triển khai. Nhờ đó đã khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 2-4-2021, tổng dư nợ cho vay của Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định đạt 14.345 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 12.448 tỷ đồng, chiếm 86,7% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được đảm bảo an toàn. Toàn tỉnh đã có 2.287 tổ VV-TK với 46.496 thành viên. Tổng dư nợ cho vay qua tổ VV-TK là 10.957 tỷ 279 triệu đồng, tăng 8% so với năm 2019. Bình quân dư nợ cho vay 1 thành viên trong tổ đạt hơn 235 triệu đồng, bình quân dư nợ cho vay qua 1 tổ đạt 4 tỷ 791 triệu đồng. Chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo, nợ xấu chỉ chiếm 0,17% so với tổng dư nợ.
Có thể nói, tổ VV-TK hoạt động hiệu quả, đúng quy trình, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và thực sự đã phát huy vai trò là cánh tay nối dài của Agribank đối với hoạt động tín dụng trên địa bàn nông thôn. Thông qua các cấp hội, tổ VV-TK, Agribank đã dễ dàng tuyên truyền chính sách, chế độ tới người dân nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cán bộ tín dụng có thể thẩm định cho vay một cách chắc chắn hơn, đồng thời tổ VV-TK làm tốt nhiệm vụ đôn đốc thu nợ, thu lãi, xử lý nợ, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn nguồn vốn cho vay, nợ quá hạn luôn ở mức thấp. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng quan tâm đến việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật, tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả nợ vay (gốc, lãi) đầy đủ, đúng kỳ hạn đã cam kết giúp ngân hàng tăng lượng khách hàng, mở rộng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và quảng bá thương hiệu. Từ đó, hiệu quả đầu tư vốn vay vào khu vực nông nghiệp, nông thôn được nâng cao rõ rệt, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa bàn nông thôn, giúp cho các hộ, nhất là các làng nghề, hộ làm kinh tế trang trại, kinh tế biển có vốn để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng với cơ chế trị trường, tăng cơ hội tiếp cận tạo việc làm cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế, khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, ổn định chính trị, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội và hỗ trợ các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tiêu biểu như nghề nuôi trồng thủy sản tại xã Hải Phúc (Hải Hậu), thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của ở xã Hải Minh (Hải Hậu), xã Trung Đông (Trực Ninh), nghề vận tải thủy tại huyện Xuân Trường... hàng năm giải quyết thêm việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/ người/tháng.
Thời gian tới, Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan đến thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 đến cán bộ, hội viên các hội. Duy trì, củng cố và đổi mới nội dung hoạt động của tổ VV-TK phù hợp với thực tiễn. Thường xuyên rà soát, bổ sung củng cố kịp thời thành viên tổ VV-TK còn thiếu hoặc có thay đổi, kiện toàn, thay thế thành viên tổ VV-TK hoạt động kém, không hiệu quả. Cung cấp kịp thời các nhu cầu vốn, các thông tin liên quan đến hộ vay vốn, hướng dẫn lập, hoàn thiện hồ sơ vay vốn, giải ngân vốn vay một cách nhanh chóng, thuận lợi. Nâng cao vai trò giám sát, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi vay. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện thỏa thuận liên ngành của các cấp Hội cơ sở, các tổ VV-TK hàng năm. Định kỳ hàng năm, tổ chức tổng kết hoạt động mạng lưới tổ VV-TK tại Agribank chi nhánh loại II và tiến hành sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận liên ngành tại Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định. Đẩy mạnh huy động vốn, cho vay và phát triển dịch vụ thẻ ATM tại nông thôn. Phấn đấu mỗi năm huy động vốn tăng từ 15-20%, cho vay tăng từ 10-15%; sản phẩm, dịch vụ thẻ ATM tăng 10-20%.Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh./.
Bài và ảnh: Đức Toàn