Tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn cấp chứng chỉ FSC, tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều kết quả trong việc rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lí bền vững (FSC). Đặc biệt, người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn nay không còn lo đầu ra sản phẩm bởi đã có Hội Các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị đứng ra kí kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lâm sản với doanh nghiệp trong nước.
Từ năm 2007, với sự hỗ trợ của Tổng cục Lâm nghiệp và các tổ chức quốc tế, tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu tiếp cận, triển khai thực hiện quản lí rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng cho các chủ rừng là nhóm hộ gia đình, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Năm 2010, nhóm hộ gia đình tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh và xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh được cấp chứng chỉ FSC lần đầu với diện tích 318 ha. Đây cũng là mô hình đầu tiên về cấp chứng chỉ rừng cho nhóm hộ gia đình nông dân ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đến cuối năm 2018, diện tích rừng được cấp chứng chỉ của nhóm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt gần 2.000 ha với sự tham gia của 29 chi hội cơ sở gồm 572 hội viên, tại 15 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, các công ty lâm nghiệp (Bến Hải, Đường 9, Triệu Hải) cũng dần hoàn thiện công tác quản lí rừng theo hướng bền vững và được cấp chứng chỉ rừng FSC vào những năm 2011, 2015, nâng tổng số diện tích rừng được cấp chứng chỉ trong toàn tỉnh đến nay lên 22.158 ha. Với những nỗ lực trong công tác khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng theo chứng chỉ FSC, Quảng Trị là tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình quản lí rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả 2 đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình.
Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Đặc biệt, tham gia trồng rừng cấp chứng chỉ FSC, người dân sẽ không còn nỗi lo đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, Hội Các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị đã đứng ra kí kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lâm sản cho người trồng rừng với Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị và Công ty Scansia Pacific (Thành phố Hồ Chí Minh). Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cho biết: “Công ty đã hỗ trợ kinh phí thuê tư vấn đánh giá chu kì 5 năm và cho các nhóm hộ tham gia trồng rừng cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích được đánh giá là 1.368 ha rừng thuộc sở hữu của 517 hộ trồng rừng cấp chứng chỉ thuộc các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Cũng theo cam kết trong chương trình thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, công ty cam kết tiếp tục mua toàn bộ số gỗ rừng trồng có chứng chỉ của hộ dân với mức giá cao hơn gỗ không có chứng chỉ theo giá thị trường từ 15 - 18%; thu mua gỗ dăm có chứng chỉ rừng trong trường hợp gỗ bị bão đổ gãy, hỗ trợ hộ nông dân vay tiền giải quyết khó khăn tài chính để giữ rừng với chu kì dài hơn, tài trợ các chi phí cho đánh giá chứng chỉ theo định kì 5 năm và hằng năm”.
Việc kết nối thành công giữa người sản xuất trực tiếp và doanh nghiệp chế biến nên đầu ra của sản phẩm ổn định, giá cao hơn giữa gỗ không có chứng chỉ và gỗ có chứng chỉ FSC đã khích lệ các chủ rừng lớn tham gia.
Mục tiêu đặt ra của ngành lâm nghiệp là đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị có khoảng 42.000 ha rừng trồng gỗ lớn đạt tiêu chí quản lí rừng bền vững, nâng cao chất lượng rừng đạt trên 60% cho gỗ lớn và 40% cho gỗ nhỏ. Mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng từ 800.000 - 1.000.000 m3 gỗ xẻ, nâng cao tỉ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu trong tỉnh, khuyến khích dùng gỗ rừng trồng (đạt tiêu chuẩn FSC, PEFC), giảm dần tỉ lệ gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong nước dùng cho công nghiệp chế biến gỗ. Chuyển đổi phương thức kinh doanh rừng sang trồng rừng thâm canh và chuyển hóa cây gỗ lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến. Xây dựng mô hình chuỗi giá trị liên kết từ trồng, tiêu thụ đến chế biến sản phẩm, phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ…
Để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực của ngành lâm nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về hiệu quả việc trồng rừng kinh doanh gỗ lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp và nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, từ đó vận động người dân thực hiện tổ chức sản xuất rừng gỗ lớn có hiệu quả. Đồng thời, ngành chức năng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từ khâu giống, trồng, chăm sóc rừng đến chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng. Tích cực nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến để đảm bảo nguồn cung gỗ bền vững, hợp pháp. Có chủ trương đầu tư các dự án, nhà máy sản xuất chế biến gỗ, triển khai thực hiện quy hoạch, triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hỗ trợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường, dự báo thị trường trong và ngoài nước, hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở về sản phẩm hàng hóa trên thị trường, giới thiệu quảng bá sản phẩm, đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển quy hoạch chế biến gỗ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140191