Tăng cường miễn dịch bằng thuốc, nên hay không?

Dịch viêm đường hô hấp do nCoV gây ra đang là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin phòng bệnh hiệu quả.

Quá trình hồi phục nhờ vào điều trị triệu chứng và sức đề kháng của cơ thể. Vậy làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể trong mùa dịch nCoV và liệu việc sử dụng các chế phẩm bổ sung có thực sự cần thiết?

Các loại thực phẩm bổ sung giúp tăng hệ miễn dịch

Khi nhắc đến các vitamin và khoáng chất góp phần làm tăng sức đề kháng, vitamin C và kẽm là hai chất được nhắc đến nhiều nhất trong việc giảm các triệu chứng cảm lạnh do virus.

Hoa quả giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật.

Hoa quả giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật.

Vitamin C: Cơ thể chúng ta cần vitamin C cho chức năng miễn dịch, duy trì cấu trúc xương, hấp thu sắt và cải thiện độ đàn hồi của da. Nhu cầu vitamin C hằng ngày là 90mg ở nam và 75mg cho nữ. Hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vitamin C có thể điều trị cảm lạnh. Tuy nhiên, vitamin C rất cần thiết cho hoạt động của các tế bào miễn dịch và nó bị cạn kiệt trong quá trình nhiễm trùng. Bổ sung vitamin C trong quá trình cảm lạnh, có thể tăng tốc độ phục hồi và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Cơ thể sẽ hấp thu, sử dụng các vitamin, chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm tự nhiên một cách tối ưu. Do đó, để đạt hiệu quả, cần bổ sung vitamin C hàng ngày (không chỉ khi bắt đầu có triệu chứng cảm lạnh) từ trái cây và rau quả: cam, quýt, ổi, kiwi, cà chua..., cơ thể sẽ nhận đủ vitamin C để duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể.

Việc bổ sung liều cao vitamin C từ các thực phẩm bổ sung để tăng sức đề kháng là không cần thiết mà còn làm tăng khả năng xuất hiện các tác dụng phụ: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, sỏi thận khi dùng trên 2g/ngày vitamin C.

Kẽm: Kẽm là nguyên tố vi lượng thiết yếu, là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch trong phòng thủ chống lại nhiễm trùng. Nó có liên quan đến sự hình thành và kích hoạt các tế bào miễn dịch. Do đó, một lượng kẽm đầy đủ đặc biệt quan trọng trong mùa lạnh và cúm!

Để đáp ứng nhu cầu bình thường, Hiệp hội Dinh dưỡng Đức khuyến cáo liều kẽm hàng ngày ở phụ nữ trưởng thành là 7mg/ngày và 10mg/ngày ở nam giới. Kẽm chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm giàu protein có nguồn gốc động vật như: phô mai, thịt bò, hàu, cá trích; trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật: hạt bí ngô, yến mạch, đậu lăng, rau bina.

Nếu chúng ta bổ sung dư thừa kẽm trong những khẩu phần ăn hàng ngày sẽ không xuất hiện triệu chứng ngộ độc kẽm do cơ thể có thể điều chỉnh và hấp thu một lượng cần thiết các khoáng chất từ thực phẩm tự nhiên. Nhưng nếu ta cung cấp quá nhiều những loại vitamin tổng hợp có chứa kẽm thì sẽ dễ xảy ra hiện tượng thừa kẽm với các biểu hiện: buồn nôn, nôn, ợ nhiều lần, đau bụng, tiêu chảy, đắng miệng thường xuyên, chán ăn, mất vị giác hoặc ăn không ngon miệng...

Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm nhất do khả năng hấp thu các chất ở đường tiêu hóa giảm, do chế độ ăn uống giảm hoặc hạn chế... Ở nhóm đối tượng này, nếu việc bổ sung kẽm từ chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng nhu cầu cơ thể thì việc sử dụng viên kẽm từ các chế phẩm bổ sung có thể dễ hấp thụ tốt trong miệng và cần thiết (theo chỉ định của bác sĩ).

Không tự ý dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Không tự ý dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Không tự ý sử dụng

Thời gian gần đây, không hiểu sao có nhiều người mách nhau tìm loại thuốc chứa interferon để tăng đề kháng cho trẻ chống lại các bệnh do virus. Tuy nhiên, đây là thuốc kháng virus bằng cách điều hòa đáp ứng miễn dịch chứ không phải thuốc hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, chưa kể đến việc không phải các trường hợp nhiễm virus nào cũng sử dụng thuốc kháng virus.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc tăng đề kháng cũng cần hết sức thận trọng. Đặc biệt, với nhóm bệnh không phải do nhiễm khuẩn như các bệnh dị ứng do phản ứng quá mức như: hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa... thì việc tăng sức đề kháng không có ý nghĩa.

Trên thực tế, có rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo là tăng cường miễn dịch nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học chứng minh các loại thuốc này thực sự có hiệu quả giúp tăng sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, việc sử dụng những loại thuốc hoặc những sản phẩm có tác dụng tăng cường miễn dịch cũng phải được chỉ định, tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng, không được lạm dụng, dù đó là các loại vitamin hay khoáng chất. Chỉ bổ sung bằng thuốc khi cơ thể thiếu hụt trầm trọng, nếu dùng thừa sẽ gây rối loạn trong cơ thể.

Tăng sức đề kháng không nhờ thuốc

Việc tăng cường miễn dịch, chống lại bệnh tật có thể bổ sung bằng thực phẩm ăn hàng ngày như rau xanh, hoa quả... Bên cạnh đó, cần duy trì thói quen, lối sống lành mạnh: không hút thuốc, tăng cường vận động, duy trì cân nặng khỏe mạnh, ngủ đủ giấc 8 giờ/ngày, tránh thức khuya, hạn chế uống bia rượu, uống nhiều nước, cố gắng giảm thiểu căng thẳng, thực hiện các bước phòng tránh nhiễm trùng: đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên và ăn chín uống sôi, tránh tụ tập nơi đông người.

DS. Thảo Đan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-cuong-mien-dich-bang-thuoc-nen-hay-khong-n168720.html