Tăng cường năng lực giám định tư pháp lĩnh vực Tài chính
Ngày 31/10, tại TP Ninh Bình, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định tư pháp thuộc lĩnh vực Tài chính cho cán bộ, công chức là các giám định viên, người giám định theo vụ việc của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính khu vực phía Bắc.
Hội nghị tập huấn được tổ chức nhằm triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm cơ sở vật chất cho tổ chức giám định tư pháp, chính sách thu hút, tôn vinh người giám định. Bên cạnh đó, Hội nghị nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới về tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp lý, nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người giám định tư pháp và đội ngũ người tiến hành tố tụng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Hồ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết, triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành vầ Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, công tác giám định tư pháp nói chung và công tác giám định trong lĩnh vực Tài chính nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành Tài chính.
Bộ Tài chính đã hình thành đội ngũ 1.858 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giám định, trong đó 1.712 giám định viên tư pháp, 146 người giám định tư pháp theo vụ việc. Các giám định viên của Bộ Tài chính đã tham gia hàng trăm lượt giám định, cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đưa ra những kết luận giám định khách quan, đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tránh được oan sai.
Thông qua Hội nghị, các giám định viên, giám định viên theo vụ việc trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được tập huấn các nội dung liên quan đến các vấn đề pháp luật chung về giám định tư pháp như: tìm hiểu các quy định pháp luật về giám định tư pháp; đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người giám định; các quy định trực tiếp liên quan đến công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực Tài chính.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thụy – Trưởng phòng Thanh tra Bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã cung cấp những kiến thức pháp lý về công tác giám định. Bà Thụy cho biết, Luật Giám định tư pháp năm 2012 đánh dấu bước phát triển mới về thể chế giám định tư pháp, là cơ sở hoàn thiện pháp luật về tố tụng, đảm bảo sự liên thông, đồng bộ giữa quy định của pháp luật giám định tư pháp với quy định của pháp luật về tố tụng. Kết quả hoạt động giám định tư pháp là nguồn chứng cứ khoa học, giúp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh trong việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính và vụ việc dân sự, đảm bảo phán quyết được khách quan, chính xác, đúng pháp luật.
Để hoạt động giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu hoạt động tố tụng đòi hỏi việc giám định phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật tố tụng. Vì vậy, cùng với tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu người thực hiện giám định tư pháp hiểu biết pháp luật là tất yếu, khách quan.
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để lắng nghe các kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện giám định tư pháp đối với các hoạt động giám định thuộc lĩnh vực tài chính như: tài chính doanh nghiệp, tài chính kế toán, quản lý công sản, thuế, hải quan... Bên cạnh đó, báo cáo viên và các giám định viên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, giải đáp các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn triển khai tại các đơn vị, qua đó làm tốt hơn nữa trong công tác giám định về Tài chính.
Trước đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức và nghiệp vụ giám định tư pháp lĩnh vực Tài chính khu vực phía Nam vào ngày 24/10/2019.