Tăng cường 'nuôi dưỡng' nguồn thu

Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, các đại biểu đã tập trung tìm giải pháp nâng 'sức khỏe' của các trụ cột kinh tế. Cùng với đó là hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023, đặc biệt là khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; 'lấp đầy' các cụm công nghiệp; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội…

Giải "bài toán" thu ngân sách từ tiền sử dụng đất

Với con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 5,17% (thấp hơn cùng kỳ 2022) và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác không đạt kế hoạch, các đại biểu cho rằng: để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 8,5%, thu ngân sách đạt 20.000 tỷ đồng… là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và áp lực trong bối cảnh dư địa phát triển tuy nhiều nhưng những tác động tiêu cực do bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn rất lớn. Các đại biểu đề nghị, UBND tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với các chỉ tiêu đạt thấp để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Về tình hình ngân sách, theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu 6 tháng đầu năm ước đạt 8.273 tỷ đồng, (giảm 13% so với cùng kỳ 2022, bằng 41,4% dự toán HĐND tỉnh giao). Với “con số” thu ngân sách còn “khiêm tốn” này, đại biểu Bùi Văn Lương (Tổ đại biểu TP. Phổ Yên) và nhiều đại biểu cho rằng, UBND tỉnh cần quan tâm đến các giải pháp "nuôi dưỡng" nguồn thu. Đặc biệt, cần chú trọng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất và sắp xếp lại nhà, đất để bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình trong danh mục đầu tư công năm 2024, danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025…

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Minh Quang cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước từ nguồn tiền sử dụng đất (bao gồm nguồn thu sắp xếp lại nhà, đất) từ năm 2021 đến hết tháng 6.2023 là 9.970 tỷ đồng (bằng 82,7% dự toán HĐND tỉnh giao). Trong đó, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 658/4.800 tỷ đồng, bằng 13,7% dự toán được giao. Để thực hiện thu tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo, cần sự vào cuộc trách nhiệm của tất cả các địa phương, sở, ngành liên quan. Trong đó, các huyện, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án giá đất bảo đảm tiến độ, trình Hội đồng giá đất của tỉnh thẩm định; kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc (nếu có) liên quan đến các sở, ngành để xem xét, chỉ đạo…”, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh…

Liên quan đến công tác quản lý cụm công nghiệp, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá hiệu quả và đóng góp của 14 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đồng thời, phải đưa ra nhiều giải pháp mang tính “sức hút” hơn nữa mới có thể nhanh chóng lấp đầy các cụm công nghiệp.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Chính chia sẻ thêm: trên địa bàn hiện đang quy hoạch 41 cụm công nghiệp, tổng diện tích 2.067ha. Để thu hút đầu tư, lấp đầy các cụm công nghiệp, Sở đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị các bộ, ban, ngành và Chính phủ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25.7.2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11.6.2020 của Chính phủ do phát sinh nhiều bất cập từ thực tiễn triển khai. Song song đó, các cấp chính quyền trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các chủ đầu tư giải quyết hồ sơ thành lập, điều chỉnh quyết định thành lập, gia hạn tiến độ dự án nhanh, gọn...

Để người dân tích cực tham gia bảo hiểm xã hội

Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi nhất tại phiên thảo luận tổ đó chính là câu chuyện xoay quanh vấn đề BHXH. Nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng trước thực trạng tỷ lệ người tham gia BHXH trên địa bàn đạt thấp và chỉ trong 6 tháng đầu năm, số người tham gia bảo hiểm xã hội giảm hơn 5.000 người so với cuối năm 2022. Đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp thực hiện chỉ tiêu này trong năm 2023 và những năm tiếp theo để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là 98,5%...

Liên quan đến việc sụt giảm số người tham gia BHXH, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Quỳnh Hương thừa nhận có tình trạng này. Đồng thời, cho biết, sẽ tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định và mở rộng thị trường lao động. Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng lao động, người lao động về quy đinh của Luật BHXH…

Cũng tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu băn khoăn trước tình trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao và hạn mức tín dụng giảm. Do đó, tỉnh cần có thêm các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; bổ sung quy hoạch đường vào các mỏ khai thác đất và vật liệu xây dựng (cát, sỏi) sau khi được cấp phép để thuận tiện cho việc vận chuyển... Đại biểu cũng đề nghị, tỉnh sớm chỉ đạo Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên quan tâm đấu nối, đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch cho các khu dân cư, khu đô thị mới, khu tái định cư trên địa bàn; có biện pháp quản lý và xử lý tình trạng trên hệ thống cột điện do Công ty Điện lực Thái Nguyên quản lý dây cáp thông tin của các nhà mạng chăng mắc chằng chịt gây mất mỹ quan và an toàn cho người dân...

Bách Hợp - Kim Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tang-cuong-nuoi-duong-nguon-thu-i337865/