Tăng cường phối hợp liên ngành, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm

Chiều 25/10, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017, rút kinh nghiệm 2 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021 của liên ngành Trung ương quy định việc phối hợp trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo, Kiểm sát viên các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự Trung ương, tập thể lãnh đạo cùng toàn thể công chức Vụ 2, VKSND tối cao; VKS quân sự các cấp, VKSND cấp tỉnh, cấp huyện…

 Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Long, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao đã trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch (TTLT) số 01/2017 ngày 29/12/2017, rút kinh nghiệm 2 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021 của liên ngành Trung ương.

Theo đó, việc ban hành TTLT số 01/2017 và TTLT số 01/2021 của liên ngành Tư pháp Trung ương có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp. Quy định của TTLT đã góp phần tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn trên thực tiễn; tạo cơ chế pháp lý thuận lợi cho lực lượng Công an xã tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại và xác minh sơ bộ ban đầu đối với các tố giác, tin báo về tội phạm xảy ra tại cơ sở. Vì vậy, ngay sau khi 2 TTLT được ban hành, VKSND tối cao đã quán triệt toàn Ngành nghiêm túc triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả rõ nét.

 Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị.

Cụ thể, trong việc tổ chức thực hiện TTLT số 01/2017, VKS các cấp đã thực hiện phân công trực nghiệp vụ 24/24h, bố trí phòng tiếp công dân, hộp thư tố giác để tiếp nhận tố giác, tin báo của công dân.

Kiểm sát chặt chẽ hoạt động tiếp nhận, phân loại nguồn tin tội phạm của CQĐT, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự tố tụng, hạn chế để xảy ra bỏ lọt tố giác tội phạm hoặc hình sự hóa quan hệ dân sự. Khi phát sinh tranh chấp thẩm quyền, đã phối hợp với CQĐT trao đổi thống nhất và quyết định đảm bảo việc thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền.

Về phối hợp kiểm sát việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, lãnh đạo VKS các cấp đã phối hợp chặt chẽ với CQĐT cùng cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc, thận trọng trong việc xét phê chuẩn các quyết định tố tụng. Kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định tố tụng chưa đảm bảo căn cứ. Kịp thời phê chuẩn khi có đủ căn cứ pháp luật để tạo thuận lợi trong việc thu thập chứng cứ làm rõ sự việc.

 Đồng chí Lê Minh Long, Vụ trưởng Vụ 2, VKSND tối cao trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện TTLT.

Đồng chí Lê Minh Long, Vụ trưởng Vụ 2, VKSND tối cao trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện TTLT.

Việc ban hành các quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án của CQĐT và ban hành 7.221 văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm của VKS các cấp đã đảm bảo việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm được tuân thủ đúng quy định của pháp luật thực hiện có hiệu quả công tác chống oan hoặc bỏ lọt tội phạm.

Đối với Kiểm sát viên VKS các cấp đã nêu cao trách nhiệm, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Điều tra viên, đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên để nắm chắc tiến độ xác minh, từ đó đề ra các yêu cầu xác minh và những vấn đề mới phát sinh để hỗ trợ Điều tra viên thu thập chứng cứ để làm rõ sự việc.

Thận trọng trong việc đề xuất phê chuẩn các quyết định của CQĐT, việc phối hợp với Điều tra viên nghiên cứu, đánh giá các chứng cứ tài liệu đề xuất lãnh đạo liên ngành đảm bảo việc ban hành các quyết định khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ quyết định xác minh vụ việc có căn cứ, đúng pháp luật. Kết quả nêu trên cho thấy VKSND các cấp đã hoàn thành các chỉ tiêu mà nghị quyết số 96/ NQ-QH 14 Quốc hội giao.

Về việc tổ chức thực hiện TTLT số 01/2021, VKSND tối cao đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức quán triệt quy định của TTLT số 01/2021 đến lực lượng Công an xã để triển khai thực hiện. VKSND cấp tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn VKSND cấp huyện kiểm sát tiếp nhận, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã.

 Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao Lê Xuân Lộc phát biểu tại Hội nghị.

Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao Lê Xuân Lộc phát biểu tại Hội nghị.

VKSND cấp huyện đã tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương; chủ động phối hợp liên ngành tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện các thiếu sót, vi phạm để uốn nắn, yêu cầu khắc phục và rút kinh nghiệm, kịp thời hướng dẫn Công an xã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Việc VKSND cấp huyện ban hành yêu cầu khởi tố vụ án 659 tin, không khởi tố vụ án 90 tin; hủy bỏ quyết định xử lý hành chính chuyển xử lý hình sự 9 tin đã góp phần thực hiện tốt công tác chống oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm; việc ban hành 1.001 văn bản kiến nghị yêu cầu lực lượng Công an xã khắc phục vi phạm đã đảm bảo hoạt động này được tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, lực lượng Công an xã đã thực hiện tốt công tác xác minh sơ bộ ban đầu có tố giác, tin báo về tội phạm, đảm bảo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Hội nghị cũng nghe đồng chí Đào Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ 2, VKSND tối cao trình bày Hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động của CQĐT đối với tố giác, tin báo về tội phạm do lực lượng Công an xã thụ lý, giải quyết.

 Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ 15, VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ 15, VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKS địa phương đã phát biểu tham luận nêu lên những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc, bất cập; các kiến nghị và đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi hành TTLT trong thời gian tới; đồng thời nghe Vụ 2, VKSND tối cao giải đáp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa VKS với các cơ quan có thẩm quyền.

Phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, sau một buổi tổ chức, Hội nghị đã hoàn thành tiến độ đề ra; đồng thời ghi nhận công tác chuẩn bị Hội nghị của đơn vị chủ trì (Vụ 2) và các đơn vị liên quan.

Điểm lại các kết quả đạt được trong 5 năm triển khai thực hiện TTLT số 01/2017 và 2 năm phối hợp triển khai thực hiện TTLT số 01/2021 giữa VKS với các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng cũng đã nêu lên một số mặt còn tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

 Đồng chí Đào Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ 2, VKSND tối cao trình bày Hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động của CQĐT đối với tố giác, tin báo về tội phạm do lực lượng Công an xã thụ lý, giải quyết.

Đồng chí Đào Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ 2, VKSND tối cao trình bày Hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động của CQĐT đối với tố giác, tin báo về tội phạm do lực lượng Công an xã thụ lý, giải quyết.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả TTLT số 01/2017 và TTLT số 01/2021 trong thời gian tới, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng đồng tình với các giải pháp được nêu lên tại Hội nghị.

Theo đó, cần tăng cường phối hợp liên ngành thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đổi mới phương pháp, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng thu thập, đánh giá chứng cứ của Kiểm sát viên bảo đảm việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đúng thời hạn, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo VKS các cấp cần quan tâm đổi mới phương pháp chỉ đạo điều hành, tăng cường công tác theo dõi hướng dẫn chỉ đạo và trả lời thỉnh thị; đổi mới nhận thức, phương pháp, tăng cường phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả kiểm sát tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm do lực lượng Công an xã thụ lý giải quyết ban đầu.

 Các điểm cầu tại Hội nghị.

Các điểm cầu tại Hội nghị.

Mặt khác, VKSND các cấp cần tăng cường phối hợp kiểm tra để phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nói chung, quá trình lực lượng Công an xã xác minh sơ bộ nói riêng để kịp thời uốn nắn và yêu cầu khắc phục, rút kinh nghiệm. Đồng thời, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, sự ủng hộ, hỗ trợ các ban ngành đoàn thể và quần chúng nhân dân trong quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý nguồn tin tội phạm.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng cũng lưu ý, VKSND các cấp cần tham khảo, vận dụng những kinh nghiệm hay, cách làm tốt từ các đơn vị trong Ngành; quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện 2 TTLT; VKSND tối cao (Vụ 2) phối hợp Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết liên ngành đối với 2 TTLT này và phối hợp để có hướng dẫn khó khăn, vướng mắc cho cấp dưới trong thời gian tới.

Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với VKS các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương khi thực hiện nhiệm vụ trong công tác này; Cơ quan điều tra VKSND tối cao phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kiến nghị tổng hợp gửi Bộ Công an về những vi phạm của lực lượng Công an cấp xã để góp phần phòng ngừa, chấn chỉnh, khắc phục vi phạm…

Cao Nguyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/tang-cuong-phoi-hop-lien-nganh-chong-oan-sai-bo-lot-toi-pham-147733.html