Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội

Ngày 23-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm TP. Hà Nội (Ban Chỉ đạo 89) đã tổ chức hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực cho cán bộ thường trực Ban Chỉ đạo 89 các cấp và Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện trong công tác phòng, chống ma túy.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tây Nam - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 89, Phó GĐ Sở LĐTB&XH; Nguyễn Văn Lập – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội; Thượng tá Nguyễn Quang Hiền – Phó trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy CATP Hà Nội; Thượng tá Hồ Lê Quân – Phó trưởng phòng Tham mưu CATP Hà Nội, cùng gần 200 cán bộ thường trực Ban Chỉ đạo 89 các cấp, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hội nghị tập huấn có gần 200 cán bộ thường trực Ban Chỉ đạo 89 các cấp, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội

Hội nghị tập huấn có gần 200 cán bộ thường trực Ban Chỉ đạo 89 các cấp, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội

Đẩy mạnh lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Tây Nam - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 89, Phó GĐ Sở LĐTB&XH cho biết: Hà Nội hiện có khoảng 17.000 người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý. Số người sử dụng ma túy tổng hợp tăng; công tác quản lý, xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị và cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Tây Nam - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 89, Phó GĐ Sở LĐTB&XH Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Tây Nam - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 89, Phó GĐ Sở LĐTB&XH Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Tại các địa phương, công tác phòng chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai luôn là một trong các lĩnh vực khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và của toàn dân.

Tính đến ngày 14-8-2024, toàn thành phố đã triển khai 574 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại 558/579 xã, phường, thị trấn; trong đó có 428 mô hình "Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng"; 109 mô hình "Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng-Câu lạc bộ B93"; 36 mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng". Cũng trong 8 tháng đầu năm, các địa phương đã hỗ trợ, vay vốn, tạo việc làm cho 78/200 người, đạt 39% kế hoạch năm (trong đó: tạo việc làm: 49 người; dạy nghề: 3 người; vay vốn: 26 người với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng).

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Có được kết quả như trên là có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ từ cơ quan trong Ban chỉ đạo 89 các cấp trong hoạt động chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ, sự phối hợp trách nhiệm, tích cực của các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở. Trong đó phải kể đến vai trò, trách nhiệm rất lớn của cán bộ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 89 các cấp, đặc biệt là lực lượng Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện trong công tác phòng chống ma túy cũng như đội ngũ chuyên trách phòng chống ma túy từ thành phố đến cơ sở.

Thượng tá Nguyễn Quang Hiền – Phó trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy CATP Hà Nội thông tin về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn Hà Nội

Thượng tá Nguyễn Quang Hiền – Phó trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy CATP Hà Nội thông tin về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn Hà Nội

Cũng tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Quang Hiền – Phó trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy CATP Hà Nội đã thông tin về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn Hà Nội tới các tình nguyện viên, Đội công tác xã hội tình nguyện. Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động có chiều phức tạp cả về tính chất phạm tội, thành phần đối tượng, phạm vi địa bàn hoạt động và chủng loại ma túy.

Nhiều tình huống đưa ra để các tình nguyện viên, các đội công tác xã hội tìm phương án giải quyết

Nhiều tình huống đưa ra để các tình nguyện viên, các đội công tác xã hội tìm phương án giải quyết

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp, ma túy mới tính nguy hại cao và không nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ quy định. Các đối tượng hình thành đường dây, ổ nhóm, câu kết chặt chẽ hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; luôn manh động, liều lĩnh, dùng vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Đáng lo ngại, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo giới trẻ sử dụng, các chất kích thích khác như “bóng cười”, “shisa”... ngày càng phổ biến.

Nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy được các tình nguyện viên đưa ra sát thực theo thực tế tại địa phương

Nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy được các tình nguyện viên đưa ra sát thực theo thực tế tại địa phương

“Đứng trước những thử thách của cuộc chiến đấu phòng, chống ma túy lực lượng CSĐT về ma túy CATP Hà Nội với vai trò chủ công, nòng cốt trên mặt trận phòng chống ma túy cũng đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội triển khai có hiệu quả nhiều chương trình hành động, nhiều biện pháp công tác để phòng ngừa và đấu tranh với loại hình tội phạm này. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy với các chương trình kinh tế, xã hội khác nhất là đối với các cuộc vận động “toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” - Thượng tá Nguyễn Quang Hiền nhấn mạnh.

Phát huy vai trò tình nguyện viên “Vì cộng đồng không ma túy”

Hội nghị tập huấn đã cung cấp, trang bị đầy đủ những kiến thức pháp luật về công tác phòng, chống ma túy với những nội dung kiến thức đặc biệt quan trọng đối với các thành viên tham dự. Qua đó, công tác tổ chức rà soát, thống kê, phân loại, kiểm tra, đánh giá chính xác người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ các đơn vị có liên quan lập hồ sơ đưa vào quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện, phát hiện người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ông Nguyễn Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội

Đại diện Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, ông Nguyễn Văn Lập - Chi cục trưởng nhấn mạnh, các tình nguyện viên Đội công tác xã hội cần tập trung triển khai các giải pháp, đưa ra các biện pháp phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.

Coi trọng xã hội hóa công tác điều trị và quản lý sau cai nghiện, giúp đỡ người sau cai nghiện; khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện, quản lý sau cai với các trương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm...; quản lý chặt chẽ người nghiện tại gia đình, cộng đồng, số người sau cai về cộng đồng, phấn đấu giảm tỷ lệ tái nghiện.

Các tình nguyện viên có nhiều đóng góp với cơ quan chức năng trong việc xây dựng chương trình công tác, kế hoạch phòng chống tệ nạn

Các tình nguyện viên có nhiều đóng góp với cơ quan chức năng trong việc xây dựng chương trình công tác, kế hoạch phòng chống tệ nạn

Nhiều mô hình hay, sáng tạo ở các quận, huyện phải kể đến Mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn huyện Thanh Trì. Theo đó, địa phương đã xây dựng phương án Thành lập Điểm tư vấn hỗ trợ chăm sóc người nghiện tại cộng đồng đặt tại trụ sở Trạm Y tế.

Với sự hỗ trợ về kinh phí của thành phố, sự giúp đỡ về nghiệp vụ của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng, Trung tâm cai nghiện số 2 và các đơn vị liên quan, sau 2 năm thành lập và đi vào hoạt động Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng xã Vĩnh Quỳnh đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc quản lý người nghiện ma túy và tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc người nghiện ma túy nhất là về sức khỏe, việc làm và đặc biệt hiệu quả trong việc tuyên truyền, tư vấn giúp người nghiện ma túy hiểu và tự lựa chọn đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp.

Toàn cảnh hội nghị tập huấn

Toàn cảnh hội nghị tập huấn

Đối với Đội Công tác xã hội tình nguyện phải kể đến các thành viên phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội), các tình nguyện viên đã chủ động đóng góp với chính quyền trong việc xây dựng chương trình công tác, kế hoạch phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV… Đội hoạt động có quy chế và đã là cầu nối giữa những người mắc TNXH với cơ quan chính quyền và các đoàn thể xã hội, là môi trường rất thuận lợi để thể hiện, phát huy quyền tự do, dân chủ của mọi công dân, nhất là những người mắc TNXH, đối tượng dễ bị kỳ thị, xa lánh trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 89 thành phố, các mô hình tư vấn pháp lý xã hội và chuyển gửi người cai nghiện ma túy sẽ tiếp tục được nâng cao với hình thức phân công cho Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện phối hợp gia đình, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng phòng, chống tái nghiện.

Cùng đó là thực hiện các chương trình như: giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai nghiện ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng. Tham gia thực hiện lồng ghép công tác phòng chống tệ nạn xã hội với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội; các phong trào khác trên địa bàn.

Lam Thanh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tang-cuong-phoi-hop-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-chong-te-nan-xa-hoi-post587054.antd