Tăng cường phối hợp phòng, chống mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ trên biên giới
Trong thời gian gần đây, tình trạng mua bán, sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo vẫn phức tạp.
Ngày 11/7, tại Hội trường Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Long An, Cục phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP); Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch số 3535/KHPH, ngày 24/5/2023 (gọi tắt là kế hoạch 3535) về phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên tuyến biên giới.
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh - Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP) và Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) - Nguyễn Văn Ổn đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo Công an, Biên phòng, Hải quan các tỉnh: Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Trong thời gian gần đây, tình trạng mua bán, sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để gây án giết người, cướp tài sản, tham gia vào các đường dây tội phạm về ma túy để bảo vệ tiền, hàng trong những lần giao dịch mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẵn sàng nổ súng chống trả; tham gia khủng bố, chống chính quyền hoặc giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Nổi cộm như vụ việc rạng sáng ngày 11/6/2023, các đối tượng sử dụng vũ khí, lựu đạn tấn công vào 2 trụ sở UBND xã tại tỉnh Đắk Lắk đã khiến hơn chục người thương vong.
Nguồn gốc vũ khí, công cụ hỗ trợ do các đối tượng tự chế tạo hoặc mua trôi nổi trên thị trường và lợi dụng vận chuyển trái phép qua biên giới hoặc lợi dụng chính sách quản lý rủi ro về hàng hóa xuất, nhập khẩu để cất giấu trà trộn vào các lô hàng nhập lậu qua cửa khẩu. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép pháo qua biên giới, cửa khẩu cũng hết sức phức tạp.
Trước tình hình trên, các đơn vị BĐBP trong cả nước đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả. Kết quả, từ năm 2022 đến nay đã phát hiện bắt giữ, xử lý 268 vụ, 233 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ và pháo, tang vật thu giữ 13 khẩu súng các loại, 328 viên đạn, 795,32 kg thuốc nổ, 1.856 kíp nổ, 90,97m dây cháy chậm, 16.922 kg pháo. Trong đó, chỉ tính riêng sau hơn 1 tháng triển khai kế hoạch 3535, đến nay, các đơn vị BĐBP trong cả nước đã phát hiện, bắt giữ 10 vụ, 29 đối tượng, thu 7 khẩu súng, 119 viên đạn, 13,7kg thuốc nổ, 511 kíp nổ, gần 371kg pháo.
Trong thời gian tới, 3 lực lượng Biên phòng, Công an, Hải quan tiếp tục tăng cường thực hiện Kế hoạch 3535. Theo kế hoạch phối hợp, các lực lượng có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ trong hoạt động nghiệp vụ theo 3 lớp gồm ngoại biên; khu vực biên giới, cửa khẩu và khu vực nội địa. Trong đó, chú trọng thu thập thông tin, tài liệu theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo của nước bạn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; tổ chức điều tra, rà soát xác định tuyến, địa bàn trọng điểm và danh sách đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn trọng điểm; phối hợp đấu tranh, bắt giữ các đối tượng, đường dây, ổ nhóm hoạt động chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo,...
Bên cạnh đó, các lực lượng sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý, tình hình vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo./.