TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP, QUẢN LÝ VÀ KIỂM SOÁT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó có việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch và chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch. Đây cũng là vấn đề được đông đảo cử tri và doanh nghiệp lữ hành quan tâm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo thông tin tới các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn vào chiều 10/8 tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn vào chiều 10/8 tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đề xuất kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch

Thông tin kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã có chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành và chính các chính sách hỗ trợ cơ sở lưu trú du lịch. Cụ thể, đến hết ngày 31/01/2022 các địa phương đã triển khai hỗ trợ 18.243 hướng dẫn viên/19.567 hồ sơ đề nghị. Từ tháng 7/2021-6/2022 có 383 doanh nghiệp cấp mới và 108 doanh nghiệp cấp đổi được giảm 50% phí cấp phép. Từ tháng 11/2021 đến tháng 06/2022 có 770/2448 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã được hưởng chính sách giảm tiền ký quỹ. Các cơ sở lưu trú du lịch đã được hưởng hỗ trợ về giá điện đến tháng 12/2021; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 và giảm lãi vay đến hết năm 2021.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp lữ hành và người lao động trong ngành du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thực sự hưởng lợi trực tiếp từ những chính sách đã ban hành do các yêu cầu về điều kiện, thủ tục. Doanh nghiệp du lịch vừa mới quay trở lại thị trường, còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều chính sách hỗ trợ đã kết thúc từ tháng 6/2022 nên không được hưởng lợi từ các hỗ trợ của Chính phủ.

Từ những khó khăn trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài các chính sách đã có đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch; cho phép kéo dài chính sách giảm giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất đến hết năm 2022. Từ năm 2023 trở đi, điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với đó cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân năm 2022 và 2023 đối với lĩnh vực dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch. Cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng với các doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội giảm từ 15% trở lên so với thời điểm tháng 01/2020 mà không bị tính lãi phạt chậm nộp, kéo dài thời gian áp dụng đến hết năm 2023; áp dụng mức phí công đoàn 1% quỹ lương của doanh nghiệp trong năm 2022 và 2023. Đồng thời đề nghị các địa phương xem xét chính sách miễn phí tham quan tại các điểm du lịch đến hết năm 2022, giúp doanh nghiệp giảm giá thành tour, kích cầu du lịch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tăng cường công tác phối hợp, quản lý và kiểm soát quy hoạch phát triển du lịch

Về kết quả thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, việc thực hiện các chính sách xã hội hóa trong phát triển du lịch đã được triển khai hiệu quả trong thời gian vừa qua. Việc khuyến khích các thành phần tư nhân được đầu tư xây dựng, khai thác các hạ tầng quan trọng như sân bay, bến cảng, đường cao tốc... đã giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch.

Phần lớn cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành như cơ sở lưu trú, trạm dừng nghỉ, khu, điểm du lịch được huy động từ nguồn vốn của tư nhân. Đến nay, đã có trên 1.000 dự án du lịch do các nhà đầu tư trong nước đầu tư với nhiều hình thức, quy mô khác nhau, trong đó có các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí đẳng cấp khu vực và quốc tế tại một số địa phương được các tổ chức uy tín quốc tế vinh danh... góp phần nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất du lịch, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã ban hành các chính sách riêng để thúc đẩy thu hút xã hội hóa phát triển du lịch như hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, phát triển du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, việc khuyến khích các nhà đầu tư, tư nhân, cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tại các địa phương là khác nhau, chưa đồng đều, chưa nhất quán. Một số dự án về du lịch đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách chưa đảm bảo được sự chia sẻ lợi ích hài hòa với cộng đồng dân cư địa phương, chưa thực sự gắn với mục tiêu phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để thu hút được nguồn lực đầu tư và huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp, quản lý và kiểm soát quy hoạch phát triển du lịch từ Trung ương tới địa phương./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67295