Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Hiện nay, vẫn còn nhiều người chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó nuôi cắn; nhiều người chưa có kiến thức về điều trị phơi nhiễm do động vật cắn, tự điều trị bằng thuốc nam. Trong khi với tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại chỉ mới hơn 39% tổng đàn, kết hợp với thời tiết nắng nóng là thời điểm bệnh dại trên đàn chó, mèo có nhiều nguy cơ bùng phát. Do vậy, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

 Cần thực hiện tiêm phòng dại cho vật nuôi để phòng tránh lây bệnh sang người. - Ảnh: L.A

Cần thực hiện tiêm phòng dại cho vật nuôi để phòng tránh lây bệnh sang người. - Ảnh: L.A

Mới đây, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong có 1 trường hợp tử vong được chẩn đoán lâm sàng viêm não do bệnh dại. Đây là trường hợp tử vong do bệnh dại đầu tiên tại địa bàn xã Triệu Ái. Cụ thể, bệnh nhân là bé gái 14 tuổi khởi phát bệnh ngày 19/4/2022, vào điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chẩn đoán viêm não do dại. Ngày 22/4, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Sau đó tử vong tại nhà vào ngày 27/4. Về yếu tố dịch tễ, cách đây khoảng 7 tháng, bệnh nhân bị vết thương vùng mu bàn chân 2 bên do chó dưới 6 tháng tuổi của nhà cắn, sau khi cắn người 3 ngày con chó đã chết.

Bệnh nhân không được sơ cứu hay điều trị phơi nhiễm bằng vắc xin và cũng không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng. Ngoài ra, theo ghi nhận từ người nhà, trong nhà và gần nhà có 3 người cùng bị tấn công bởi con chó đã cắn bệnh nhân và hiện chưa tiêm phòng dại. Để kịp thời phòng, chống bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh, Trạm CN&TY huyện Triệu Phong, Trạm Y tế xã Triệu Ái xử lý ổ dịch, giám sát tình hình bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn. Tuyên truyền hướng dẫn tại gia đình các bệnh nhân về các biện pháp phòng bệnh dại; hướng dẫn và tư vấn cho các trường hợp cùng bị tấn công bởi con chó đã chết đi tiêm phòng dại, chấm dứt việc tự điều trị bằng thuốc nam. Đề nghị Chi cục CN&TY khẩn trương tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo tại vùng có dịch và tăng cường tỉ lệ bao phủ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo toàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, sau khi có thông tin về ca bệnh dại ở người, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục CN&TY khẩn trương tiến hành điều tra tình hình bệnh dại trên động vật tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái và toàn huyện Triệu Phong. Kết quả điều tra của Chi cục CN&TY cho thấy từ năm 2021 đến tháng 4/2022 không ghi nhận báo cáo dịch bệnh trên đàn chó tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái. Tuy nhiên, qua điều tra dịch tễ, trước khi cắn 4 người (đều là trẻ em có độ tuổi từ 12 - 17 tuổi), con chó cắn người đó đã bị một con chó lạ tấn công (thời gian không biết chính xác); đồng thời sau cắn người 3 ngày, con chó đã bị chết; chủ nhà tự chôn hủy và không tiến hành điều trị dự phòng phơi nhiễm cho 4 người bị chó cắn. Xã Triệu Ái năm 2021 có tổng số 350 con chó; kết quả tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó năm 2021 được 220 con; năm 2022 tiêm được 230 con. Chó nuôi hoàn toàn thả rông, không có rọ mõm, không có chuồng nuôi nhốt.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình giám sát bệnh dại do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ hỗ trợ được triển khai tại Quảng Trị từ tháng 4/2022, thông qua việc áp dụng quy trình quản lý ca bệnh dại - IBCM để tăng cường năng lực giám sát, điều tra ổ dịch, nhằm xác định đặc điểm dịch tễ bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh, tính từ đầu tháng 4/2022 đến ngày 15/5, Chi cục CN&TY đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát 17 trường hợp người bị chó, mèo cắn. Qua điều tra cho thấy có 14/17 con chó, mèo cắn người không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại; có 7 người không đến các cơ sở y tế để điều trị bằng vắc xin (đều ở tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong - có 1 ca đã tử vong).

Đặc biệt, năm 2022, sau gần 2 tháng tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại, toàn tỉnh chỉ mới tiêm được 22.746 con/57.084 con tổng đàn, đạt tỉ lệ 39,5% so với tổng đàn và đạt 49,45% so với kế hoạch. Nhiều xã chưa tổ chức tiêm phòng như: Huyện Hướng Hóa còn 18 xã, Triệu Phong 7 xã, Gio Linh 5 xã, Vĩnh Linh 2 xã, thị xã Quảng Trị 1 phường…

Theo ông Nguyễn Phú Quốc, hiện nay, thời tiết bước vào mùa nắng nóng, đây là thời điểm dịch dại dễ bùng phát bệnh dại. Do vậy, để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn. Lưu ý, tỉ lệ tiêm phòng phải tính theo số lượng tổng đàn chó, mèo thực tế thuộc diện tiêm phòng của địa phương. Kết thúc tiêm phòng trước ngày 31/5.

Sau đó rà soát và tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin dại cho toàn bộ chó, mèo chưa được tiêm; việc tổ chức bắt giữ và xử lý đối với chó thả rông tại các địa phương đạt kết quả thấp, không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/ NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm bệnh dại ở động vật, củng cố hệ thống báo dịch nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật. Khi phát hiện chó, mèo có những biểu hiện bất thường như: Bỏ ăn hoặc ăn ít, sốt cao, hung dữ khác thường nghi dại phải nhốt cách ly để theo dõi. Đồng thời, báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã và trạm CN&TY cấp huyện để xác minh và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Không được vận chuyển hoặc bán chó, mèo dại, nghi dại đi nơi khác để ngăn chặn sự lây lan dịch dại trên diện rộng và gây bệnh dại cho người.

Hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho người, ngăn ngừa tử vong do chó, mèo dại cắn. Yêu cầu chủ vật nuôi phải quản lý vật nuôi theo quy định; xích, nhốt chó để hạn chế chó cắn người; khi đưa ra khỏi nhà chó phải được rọ mõm, có xích, đề phòng cắn người; nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; chấp hành đầy đủ tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó, mèo.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện phòng, chống bệnh dại một cách có hiệu quả. Vận động Nhân dân giám sát, phát hiện và báo cáo cho chính quyền, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo, động vật khác nghi mắc bệnh dại để xử lý kịp thời.

“Sở Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ đạo Chi cục CN&TY sẵn sàng cung ứng vắc xin dại chó, mèo đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Chuẩn bị nhân lực và sẵn sàng tổ chức lấy mẫu khi có thông tin dịch bệnh trên đàn chó, mèo. Phối hợp và chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở và cơ quan y tế cùng cấp triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại. Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo theo đúng quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Quốc cho biết thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167595&title=tang-cuong-phong-chong-benh-dai