Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Thời điểm cuối năm, tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại thường có dấu hiệu gia tăng. Do đó, các ngành chức năng tỉnh Long An đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng nhằm thực hiện hiệu quả trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm góp phần ổn định thị trường trong nước, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Với vị trí tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh, có đường biên giới dài hơn 133 km, Long An luôn được xem là địa bàn trọng điểm về buôn lậu. Theo ông Nguyễn Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An: Tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra tương đối phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Ngoài mặt hàng thuốc lá, đường, địa bàn còn phát sinh nhập lậu một số mặt hàng như: pháo, đồ gia dụng, điện lạnh, gia súc, nông sản...
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh Long An đã kiểm tra hơn 4.800 vụ và phát hiện gần 3.000 vụ vi phạm, Trong số đó, có hơn 600 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, gần 2.300 vụ gian lận thương mại; khởi tố 60 vụ án với 61 đối tượng liên quan, thu nộp ngân sách hơn 300 tỷ đồng.
Thiếu tá Trần Ngọc Dương, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, Long An) cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức lực lượng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị của cấp trên, nhất là trong đợt cao điểm chống buôn lậu dịp cuối năm. Cán bộ, chiến sĩ của đồn tập trung thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biên giới được giao phụ trách. Đồng thời, nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các đối tượng tình nghi và có phương án xử lý kịp thời.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp cuối năm nằm ổn định thị trường, giá cả hàng hóa; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, các đơn vị, địa phương chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng, địa bàn trọng điểm và phương thức thủ đoạn của các đối tượng để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định rõ trách nhiệm, lĩnh vực, địa bàn quản lý của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở, các địa bàn trọng điểm, khu vực thường xuyên tập kết, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái phép; có giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng phân phối; đặc biệt là tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán hàng hóa bằng hình thức online. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ..., tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như lương thực, thực phẩm, đường, bánh kẹo, gia súc, gia cầm...
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương làm tốt tuyên truyền phổ biến pháp luật, phản ánh đúng, chính xác, kịp thời tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa. Tránh trường hợp đưa tin thất thiệt, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân.