Tăng cường phòng, chống cháy rừng
Thời tiết nắng nóng, khiến nhiều diện tích rừng ở Quảng Nam bốc cháy. Trước thực trạng này, các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống cháy rừng (PCCR), bảo vệ rừng.
Thiệt hại nặng do cháy rừng
Ngày 21/4, 30ha rừng keo của gia đình ông Ngô Minh Châu, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bốc cháy lớn. Ông Châu kể: Vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 21/4, sau khi nhận tin báo của người dân ở gần khu rừng, vợ chồng ông chạy xe máy vượt hơn 10km tới bìa rừng, tiếp tục đi bộ thêm 1km để có mặt ở rừng trồng keo của gia đình. Địa điểm cháy rừng lại cách xa khu dân cư, hồ nước, đường đi lại hiểm trở, khó khăn. “Tôi cùng một số người dân và lực lượng kiểm lâm địa bàn khẩn trương khống chế nhằm hạn chế lửa lan rộng, đến 17 giờ cùng ngày mới khống chế được đám cháy” - ông Châu cho biết.
Theo ông Châu, 30ha keo lá tràm sẽ cho doanh thu khoảng 2,1 tỷ đồng. Nào ngờ, trận hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ vốn liếng, mồ hôi công sức mà gia đình bỏ ra ròng rã mấy năm qua. Để vớt vát vốn liếng, ông Châu đã thuê 60 lao động, bắt tay thu hoạch keo để bán củi khô.
Tương tự, ông Phạm Hoài Ninh, ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc cho biết, cách đây khoảng 10 ngày ngọn lửa đã thiêu rụi rừng keo của gia đình ông, gây thiệt hại nặng về kinh tế. Theo kế hoạch, 20ha keo lá tràm 5 năm tuổi của gia đình sẽ được thu hoạch vào đầu tháng 5, có người đã trả giá 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, gia đình chưa kịp bán thì rừng keo đã xảy ra cháy.
Ngoài ra, những vụ cháy rừng vừa qua đã khiến hơn 10 hộ dân khác lâm cảnh trắng tay. Hộ bị cháy thiệt hại ít nhất 4ha, còn hộ nhiều như ông Châu lên đến 30ha. Theo ước tính của các hộ dân, tổng diện tích keo bị thiệt hại vượt con số 100ha.
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Đại Lộc cho biết: “Đơn vị đã tiếp nhận thông tin về vụ cháy rừng, hiện tại lực lượng kiểm lâm đang thống kê chính xác diện tích rừng bị cháy, cũng như nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn. Từ đó, chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện để có phương án hỗ trợ bà con”.
Theo ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, năm 2023, tỉnh xảy ra 29 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 50ha rừng. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra vài vụ cháy rừng. Nguyên nhân các vụ cháy do thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân đốt thực bì không tuân thủ quy định.
Đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng
Quảng Nam có tổng diện tích rừng là 681.156ha, trong đó rừng tự nhiên 462.321ha, rừng 218.835ha, là tỉnh có tổng diện tích rừng đứng thứ 2 cả nước. Do đó, để chủ động ứng phó, PCCR lực lượng chức năng đã chủ động nhiều phương án tuyên truyền và tích cực PCCR.
Gia đình anh A Rất Vu, ở tổ dân phố A Dinh, thị trấn Prao (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) trồng hơn 4ha cây keo. Trước mùa nắng nóng năm nay, gia đình anh Vu đã được cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn PCCR.
Anh Vu chia sẻ: Trước khi đốt thực bì cho rẫy keo, chúng tôi phải làm đường băng cản lửa để tránh trường hợp lửa cháy lây lan qua các rừng keo của hộ dân khác. Vì vậy tôi đã làm đường biên khoảng cách 7m, tiếp đến kiểm lâm viên địa bàn sẽ hướng dẫn chúng tôi đốt. Nhờ làm đường biên nên khi đốt thực bì lúc nắng nóng tôi rất yên tâm không lo sợ nguy cơ cháy lan qua rừng keo các hộ dân xung quanh.
Huyện Đông Giang có 63.000ha rừng, nhiều diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng mùa nắng nóng, chính quyền địa phương đã thành lập các tổ PCCR tại thôn, xã, bảo đảm chế độ trực thường xuyên tại những khu vực có nguy cơ cao, khi phát hiện hành vi xâm hại rừng, đốt thực bì là ngăn chặn và báo cáo cho đội phản ứng nhanh kịp thời xử lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang cho biết, thời điểm này, người dân địa phương phát dọn nương rẫy, vì vậy đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức về PCCR cho bà con; tổ chức tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, khống chế những vụ cháy rừng.
“Thời gian qua, chúng tôi tăng cường các biện pháp bố trí chỉ đạo lên lịch trực PCCR, hàng ngày cập nhật các điểm cảnh báo cháy rừng trên hệ thống của vệ tinh, kịp thời xử lý khi phát hiện có cảnh báo cháy. Trước khi bà con xử lý thực bì phải thông tin đến chính quyền địa phương biết để có biện pháp sẵn sàng khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Đồng thời khuyến khích người dân hạn chế tối đa việc xử lý thực bì bằng lửa. Chúng tôi chuẩn bị dụng cụ như dao rựa, các vỉ dập lửa, bình bơm nước thủ công đeo trên vai để phun trực tiếp vào đám cháy, với việc làm này rất hiệu quả” - ông Hùng nói.
Để chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô, ông Hà Phước Phú - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: Chi cục chỉ đạo cho các lực lượng chức năng trung phân công cán bộ kiểm lâm đóng chốt trực 24/24 và tuần tra trong ngày; tham mưu UBND các xã, phối hợp đôn đốc các lực lượng địa phương tại các khu vực trọng điểm tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân trong việc sử dụng lửa cũng như phát hiện sớm nguồn lửa trong và gần rừng để kịp thời huy động lực lượng dập ngay, tránh cháy lớn mất kiểm soát. Đồng thời tăng cường gắn biển cảnh báo, cung cấp số điện thoại tiếp nhận thông tin cháy tại các khu vực trọng điểm, khu vực đông dân cư để nắm bắt thông tin cháy kịp thời.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-cuong-phong-chong-chay-rung-10278851.html