Tăng cường phòng, chống cháy rừng mùa khô
Đồng Nai đang vào đợt cao điểm mùa khô. Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, các cơ quan, đơn vị chủ rừng đã và đang tăng cường lực lượng tuần tra, canh giữ suốt ngày đêm tại các khu vực trọng điểm nhằm giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), PCCCR được đảm bảo.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, các đơn vị giữ rừng đã bố trí lực lượng luân phiên trực canh PCCCR luôn đảm bảo 50% quân số để cho cán bộ, nhân viên có điều kiện đón Tết, vừa đảm bảo cho công tác PCCCR.
* Thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao
Theo dự báo của cơ quan chức năng, năm 2024 sẽ có hiện tượng El Nino và mùa khô 2023-2024 có sự khác biệt so với mùa khô các năm trước là ít có những cơn mưa trái mùa. Hơn nữa, những năm trước, bắt đầu vào đầu mùa khô, từ tháng 12-2023 đến tháng 1-2024 là những tháng thấp điểm của công tác PCCCR mùa khô. Nhưng năm nay có sự khác biệt là thời tiết vào giữa tháng 1-2024 đã nắng nóng gay gắt (dự báo cháy rừng luôn luôn ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm) nên công tác PCCCR mùa khô năm nay rất căng thẳng.
Phó giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc Nguyễn Duy Công cho biết, đơn vị được giao quản lý diện tích rừng trên 10 ngàn ha. Lâm phận của đơn vị quản lý nằm trong khu vực thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa ngắn, mùa khô nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho lượng nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng, nguồn nước suối cạn kiệt. Lượng nước hạn chế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng và công tác PCCCR. Các dòng suối cạn mùa khô tạo thành những trảng cỏ, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Địa bàn quản lý rộng, ranh giới giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận trải dài, các hoạt động trong lâm phận rất khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn đến công tác QLBVR, PCCCR.
Bên cạnh đó, do sản xuất nông nghiệp theo thời vụ, các hộ dân thường xen canh cây nông nghiệp ngắn ngày trong lô rừng hoặc phân bố xen kẽ diện tích sản xuất nông nghiệp với diện tích rừng trồng. Sau khi thu hoạch nông sản, người dân thường không kịp thu dọn vật thải ngay nên đã tạo ra nguồn vật liệu cháy rất nguy hiểm. Ngoài ra, trong giai đoạn mùa khô, nông dân thiếu việc làm nên thường vào rừng lấy củi, chăn thả gia súc, dùng lửa để đốt ong lấy mật…, rất dễ gây ra cháy rừng. Tuy nhiên, đơn vị đã chủ động triển khai phương án PCCCR ngay từ đầu mùa khô nhằm chủ động kiểm soát chặt chẽ các tình huống xảy ra.
Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tân Phú Nguyễn Lê Anh Tuấn cho hay, hiện đơn vị quản lý hơn 18 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên 2 huyện Định Quán và Tân Phú. Trên lâm phận của đơn vị quản lý có hơn 2,5 ngàn hộ với gần 12 ngàn dân canh tác sống xen kẽ trong rừng. Việc người dân đốt lửa trong rừng để lấy mật ong, đốt dọn rẫy, hun, đốt lá cây, phế phụ phẩm nông nghiệp vào mùa khô rất dễ xảy ra các vi phạm về PCCCR. Ngoài ra, trong số diện tích rừng tự nhiên của đơn vị có hơn 1,7 ngàn ha hiện trạng là tre nứa, hỗn giao tre, nứa, gỗ phân bố ở những vị trí đồi dốc và vào mùa khô lá tre nứa rơi rụng nhiều, cây họ tre có thể bị chết khô nên nguy cơ cháy rừng là rất cao.
* Chủ động từ sớm phương án PCCCR
Để PCCCR, ngay từ đầu năm 2024, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã thành lập ban chỉ huy PCCCR cấp BQL và 6 tổ chỉ huy PCCCR cấp phân trường; thành lập các tổ xung kích PCCCR ở những khu vực trọng điểm để sẵn sàng chữa cháy; bố trí lực lượng tuần tra mặt đất, trực chòi canh để phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố cháy xảy ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên tiếp xúc với người dân để nhắc nhở, đôn đốc, vận động thực hiện tốt công tác PCCCR.
Hàng ngày, văn phòng BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc tiếp nhận thông tin cấp dự báo cháy rừng từ website: http://kiemlamdongnai.org.vn của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai để thông báo cho các phân trường cập nhật vào sổ trực, đồng thời báo cáo các cấp đúng quy định…
Ngay từ đầu mùa khô 2024, các đơn vị giữ rừng đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch PCCCR đã được phê duyệt. Do vậy, công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm này vẫn đảm bảo trong tầm kiểm soát và chưa xảy ra vụ cháy nào gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng.
Việc chuẩn bị phương án PCCCR cũng được Ban giám đốc BQL rừng phòng hộ Tân Phú quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, phát dọn băng PCCCR, bố trí nhân sự canh trực ngay từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, mùa khô năm 2024 được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn nên công tác giám sát, chỉ đạo về PCCCR phải thực hiện các hạng mục nhanh, sớm, gọn gàng, đảm bảo hơn và luôn thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); sẵn sàng huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện cơ giới, công cụ thủ công của đơn vị, nhân dân và nguồn nước có trong khu vực để phục vụ cho việc chữa cháy rừng.
Đến thời điểm này, BQL rừng phòng hộ Tân Phú đã thi công phát dọn thực bì đường băng PCCCR đạt 100% theo kế hoạch đề ra; sửa chữa, bảo dưỡng đầy đủ phương tiện, thiết bị (máy thổi gió, máy xịt nước có động cơ, máy phát cỏ…) nhằm đảm bảo đáp ứng khi có cháy xảy ra; sửa chữa xong các công trình phục vụ PCCCR như: ao chứa nước, bậc lên xuống lấy nước, các tuyến đường vào ao lấy nước...
“Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tổ chức tốt các đợt diễn tập về PCCCR và tuyên truyền về công tác QLBVR, PCCCR đối với người dân trong khu vực; tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, mật phục linh hoạt, hiệu quả; phối hợp nhịp nhàng giữa các phân trường cũng như cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm về rừng xảy ra…” - ông Nguyễn Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã có văn bản gửi đến các phòng, đơn vị trực thuộc về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác QLBVR và PCCCR mùa khô 2023-2024. Trong đó, giao Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thực hiện tốt công tác PCCCR đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; hướng dẫn đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện công tác vệ sinh rừng, thi công đường băng cản lửa, xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; giao các hạt kiểm lâm trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp; tiếp tục phát động, xây dựng phong trào bảo vệ rừng trong các cộng đồng dân cư; ký cam kết về bảo vệ rừng, PCCCR, trưng dụng phương tiện, thiết bị, vật tư chữa cháy của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn.