Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa mưa

Hiện nay, đã vào mùa mưa nên dễ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân, trong đó có sốt xuất huyết và tay - chân - miệng. Theo số liệu báo cáo của ngành chuyên môn, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết dengue năm 2022 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có chiều hướng tăng nhanh. Riêng tại TP. Sóc Trăng, đầu mùa mưa đến nay, sốt xuất huyết cũng đã có chiều hướng gia tăng so cùng kỳ năm 2021. Trước tình hình đó, TP. Sóc Trăng đang tiếp tục siết chặt các biện pháp chủ động phòng, chống và khống chế, không để dịch lớn xảy ra.

Phun hóa chất, khống chế ổ dịch sốt xuất huyết tại Phường 2, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: KGT

Tính đến ngày 24-5-2022, toàn thành phố ghi nhận 14 trường hợp sốt xuất huyết dengue, với 2 ổ dịch; ghi nhận 59 trường hợp mắc tay - chân - miệng, chưa phát hiện ổ dịch. Bác sĩ Phạm Phú Hậu - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP. Sóc Trăng) cho biết: “Từ đầu mùa mưa, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng có chiều hướng tăng. Dự báo tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp khi đang vào giai đoạn mùa mưa, mật độ côn trùng, tuýp vi-rút thay đổi sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết dengue phát triển mạnh; đỉnh dịch tay - chân - miệng cũng phát triển mạnh vào tháng 5. Tuy nhiên, do làm tốt công tác dự phòng từ đầu năm nên tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thời điểm hiện tại, Trung tâm Y tế thành phố và các phường đang tiếp tục siết chặt các biện pháp chủ động phòng, chống và khống chế, không để dịch lớn xảy ra”.

Theo đó, ngành Y tế thành phố cử cán bộ, nhân viên y tế dự các lớp tập huấn về phương pháp giám sát ca bệnh, xử lý dịch, phác đồ điều trị nhằm nâng cao kiến thức lâm sàng cho cán bộ y tế cơ sở. Thành lập các đội chống dịch của Trung tâm Y tế thành phố, các phường để xử lý triệt để các ca bệnh sốt xuất huyết tản phát và ổ dịch trong phạm vi bán kính 200m và thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng, khống chế dịch bệnh trên địa bàn. Phun hóa chất diệt bớt trung gian truyền bệnh nhằm tránh mầm bệnh phát tán, lây lan nhanh trên diện rộng. Khử khuẩn bằng cloramin B, điều tra dịch tễ nếu có ca tay - chân - miệng xảy ra tại các trường học, nhà trẻ. Thực hiện giám sát trọng điểm tại Phường 2 và Phường 4 để đánh giá mật độ muỗi, chỉ số lăng quăng, kết quả các chỉ số này đạt mức an toàn. Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình, diệt lăng quăng, diệt muỗi, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức cho mọi người trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh mầm bệnh lây lan nhanh.

Y sĩ Cao Toàn Thắng - Cán bộ phụ trách phòng, chống dịch Trạm Y tế Phường 2, TP. Sóc Trăng chia sẻ: “Cán bộ trạm y tế phường được tham gia các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết, tay - chân - miệng nên kiến thức xử lý các tình huống khi phát hiện ca bệnh được nâng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, kết hợp với lực lượng cộng tác viên các khóm tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn bà con phòng ngừa sốt xuất huyết, tay - chân - miệng”.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp Đài Truyền thanh thành phố, các trạm truyền thanh phường tăng cường phát thanh các chương trình phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi, luôn rửa tay trước khi cho trẻ ăn, ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống chín, khử khuẩn, lau chùi bề mặt thường xuyên… để phòng, chống bệnh tay - chân - miệng. Thông báo rộng rãi đường dây nóng của Trung tâm Y tế thành phố để người dân liên hệ khi cần thiết. Cộng tác viên y tế thường xuyên tuyên truyền, vận động trực tiếp hộ gia đình để nâng cao ý thức phòng bệnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng bệnh.

Ông Thạch Lượm - ngụ Phường 2, TP. Sóc Trăng tâm tình: “Thời gian qua, có nghe trên đài truyền thanh thông báo tình hình sốt xuất huyết tăng nhanh, bà con ở đây cũng lo lắng cho các cháu nhỏ nên rất tích cực phòng bệnh theo hướng dẫn của cộng tác viên khóm và cán bộ y tế phường hướng dẫn”.

Bác sĩ Phạm Phú Hậu khuyến cáo: “Người dân nên tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như ngủ mùng để tránh muỗi đốt, thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước, lật úp các vật dụng chứa nước, vệ sinh môi trường xung quanh nhà để diệt lăng quăng… Khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết (sốt) nên đến trạm y tế để được thăm khám và tư vấn. Các bà mẹ nên thực hiện rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng, rửa tay trước khi cho trẻ ăn, khi có các dấu hiệu sốt, nổi mụn nước bàn tay, bàn chân, miệng phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn”.

KGT

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-mua-mua-57237.html