Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF). Từ tình hình đó, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi đang triển khai các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên động vật.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 4-7, bệnh ASF xuất hiện tại một hộ chăn nuôi thuộc thôn Đảnh Thạnh (xã Suối Hiệp); hộ này có 18 con heo 3 - 4 tháng tuổi. Qua kết quả xét nghiệm, đàn heo dương tính với ASF, buộc phải tiêu hủy toàn bộ (tổng khối lượng 768kg). Cơ quan chuyên môn đã phối hợp với chính quyền địa phương và người chăn nuôi tổ chức tiêu hủy heo bệnh; tiến hành rắc vôi bột, phun thuốc vệ sinh tiêu độc toàn bộ khu vực có dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường giám sát dịch bệnh, tình hình chăn nuôi trên địa bàn.

Người chăn nuôi cần tăng cường áp dụng các giải pháp để ứng phó với nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Người chăn nuôi cần tăng cường áp dụng các giải pháp để ứng phó với nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Theo thông tin của Cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến ngày 15-7, trên cả nước đã phát hiện 12 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, số gia cầm chết và tiêu hủy hơn 30.000 con; 400 ổ dịch ASF, số heo chết và tiêu hủy hơn 25.000 con; 11 ổ dịch bệnh lở mồm long móng, số gia súc chết và tiêu hủy 364 con; 40 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò, số gia súc chết và tiêu hủy 35 con. Cả nước có 39 người tử vong do bệnh dại và có 169 động vật buộc phải tiêu hủy do nghi mắc bệnh dại. Dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi, sức khỏe con người và môi trường, nguồn cung thực phẩm.

Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 200.000 con trâu, bò; 560.000 con heo; 220.000 con dê, cừu và 5,4 triệu con gia cầm. Cơ quan chuyên môn nhận định, thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh rất cao. Bởi tình hình thời tiết khá thất thường, nắng nóng cực đoan kèm với những đợt mưa ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Đồng thời, đang cao điểm mùa du lịch khiến nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng. Ngoài ra, điều kiện chăn nuôi của các nông hộ còn hạn chế; thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại các cơ sở không được cấp phép vẫn còn diễn ra...

Không để dịch bệnh lan rộng

Ngay khi xảy ra dịch ASF tại xã Suối Hiệp, cùng với triển khai việc xử lý ổ dịch, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn đề nghị UBND xã Suối Hiệp triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật; cử cán bộ giám sát chặt chẽ ổ dịch và khu vực xung quanh cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát qua 21 ngày kể từ khi xuất hiện dịch. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn heo, chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, nhân lực và vật tư chống dịch; triển khai tiêu hủy nhanh chóng khi phát hiện heo bệnh, chết do mắc bệnh ASF; thống kê lại toàn bộ số hộ nuôi heo trên địa bàn xã; ký cam kết với tất cả hộ chăn nuôi heo trên địa bàn không được vận chuyển, bán chạy, giết mổ heo nghi mắc bệnh và báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi phát hiện gia súc bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ heo nghi mắc bệnh, vận chuyển heo, sản phẩm heo trái phép trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y (Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt); yêu cầu người chăn nuôi heo chủ động tiêm phòng vắc xin ASF và đăng ký với cơ quan thú y để giám sát tiêm phòng theo quy định.

Các xã, phường chưa có dịch, tăng cường giám sát dịch tễ, đặc biệt tại khu vực có nguy cơ cao; hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại; tổ chức rà soát, thống kê, đẩy nhanh tiêm phòng cho đàn vật nuôi; chủ động bố trí kinh phí phòng dịch, hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi mua bán, vận chuyển, vứt xác heo làm lây lan dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở chăn nuôi; hướng dẫn tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: ASF, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm…; tăng cường giám sát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202507/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi-cca1dc9/