Tăng cường phòng, chống dịch ở các khu công nghiệp

Những ngày qua, tại các khu công nghiệp (KCN) ở các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại các KCN rất lớn do mật độ công nhân tập trung đông, công nhân đi lại bằng phương tiện công cộng và thuê trọ ở chung... Ngoài lực lượng chức năng phòng, chống dịch (PCD) thì Ban Quản lý các KCN, các doanh nghiệp trong các KCN cần kích hoạt mức PCD cao nhất để luôn ở thế chủ động ứng phó dịch.

Lấy mẫu xét nghiệm tại Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà (Đà Nẵng).

Lấy mẫu xét nghiệm tại Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà (Đà Nẵng).

Những ngày qua, tại các khu công nghiệp (KCN) ở các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại các KCN rất lớn do mật độ công nhân tập trung đông, công nhân đi lại bằng phương tiện công cộng và thuê trọ ở chung... Ngoài lực lượng chức năng phòng, chống dịch (PCD) thì Ban Quản lý các KCN, các doanh nghiệp trong các KCN cần kích hoạt mức PCD cao nhất để luôn ở thế chủ động ứng phó dịch.

Không chờ có ca bệnh mới truy vết

Bắc Giang hiện là địa phương có số ca mắc Covid-19 đứng thứ tư cả nước và đang đối mặt với ổ dịch lớn khởi phát từ ngày 8-5 tại KCN Vân Trung, huyện Việt Yên- KCN lớn nhất của tỉnh. Người bệnh là chị Ngọc Thị Th. (34 tuổi, trú ở thôn Chim, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), mắc bệnh do liên quan ổ dịch tại Bệnh viên K cơ sở Tân Triều, là công nhân Công ty TNHH Sin Young Việt Nam nằm trong KCN Vân Trung. KCN này có hàng trăm nghìn công nhân tập trung làm việc, do đó, từ ca bệnh đầu tiên đến nay đã có 71 ca nhiễm Covid-19 đều là công nhân của KCN. Do công nhân thuê ở trọ nhiều nơi trên địa bàn huyện, tỉnh Bắc Giang đã thiết lập vùng cách ly y tế 25 thôn, xóm, tổ dân phố, thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam và nhiều tổ dân phố, phường, xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, với thế chủ động trong PCD, tỉnh Bắc Giang đã kiểm soát được ổ dịch. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, ổ dịch tại Công ty TNHH Sin Young Việt Nam bùng phát tại nơi có mật độ dân số dày đặc, lịch trình di chuyển của nhiều người bệnh phức tạp, nhưng tỉnh nắm thế chủ động PCD bằng việc khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm trên diện rộng. Ổ dịch bước đầu đã được khoanh vùng, khống chế, khả năng lây lan sang các công ty, cơ sở sản xuất khác rất thấp.

Sự chủ động trong xử lý ổ dịch của Bắc Giang là không đợi đến khi có F0 mới “chạy” theo truy vết, khoanh vùng, mà lực lương chức năng đi trước một bước. Trong đó đáng chú ý, tỉnh đã thành lập 30 tổ xét nghiệm nhanh, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân và người dân tại ba tổ dân phố My Điền 1, 2, 3 thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, yêu cầu lập danh sách công nhân gửi cho các huyện, thành phố để rà soát, truy vết những trường hợp liên quan. Tạm dừng các tuyến xe chở công nhân để lực lượng công an làm nòng cốt rà soát các trường hợp đi cùng chuyến xe với các trường hợp nghi nhiễm. Xét nghiệm toàn bộ lái xe và công nhân đi trên các xe và cách ly theo quy định. Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng vào cuộc, cung cấp cho từng doanh nghiệp số điện thoại đường dây nóng để được hướng dẫn PCD. Điều chỉnh giảm quy mô, giãn tần suất nhập cảnh của lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tập trung ưu tiên lực lượng cho công tác PCD…

TP Đà Nẵng cũng đang thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm khi KCN lớn nhất của quận Sơn Trà ghi nhận ca bệnh Covid-19 vào ngày 11-5. Người bệnh là nhân viên của Công ty CP Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng, có trụ sở tại KCN An Đồn. Đáng chú ý, cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh, và hiện đã có 34 đồng nghiệp của người bệnh này đang trong diện “nghi mắc” Covid-19. Các ca F1, F2 liên quan ca bệnh trải rộng trên nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố, có cả cơ sở y tế, buộc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu ngừng hoạt động khám, chữa bệnh. Nếu các ca nghi nghiễm này trở thành F0 thì đây sẽ là ổ dịch lớn nhất tại TP Đà Nẵng kể từ ca đầu tiên phát hiện vào ngày 3-5. Từ kinh nghiệm của đợt PCD trước đây, TP Đà Nẵng kiểm soát ổ dịch này bằng cách xét nghiệm đi trước, mở rộng sàng lọc hợp lý, không chờ công bố lịch trình, dịch tễ của ca mắc mới rồi mới tiến hành truy vết. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng cho biết, UBND quận đã triển khai năm biện pháp gồm chuyển bệnh nhân, khoanh vùng, truy vết, khử khuẩn và xét nghiệm. Theo Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 TP Đà Nẵng, với tinh thần thần tốc truy vết, khoanh vùng nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, đến thời điểm này, thành phố Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh liên quan ổ dịch ở Công ty CP Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCD trong các khu công nghiệp, một số địa phương đã triển khai ngay các giải pháp cấp bách. TP Hà Nội đã có công điện về tăng cường một số biện pháp cấp bách PCD Covid-19 liên quan các KCN, khu chế xuất (KCX), cụm công nghiệp và tại cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó, yêu cầu người lao động, chuyên gia cư trú trên địa bàn Hà Nội, làm việc tại các KCN, KCX thuộc các tỉnh lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm, Ban Quản lý các KCN, KCX Hà Nội liên hệ ngay với Ban Quản lý các KCN và KCX các tỉnh lân cận để lập danh sách, gồm họ tên, chỗ ở hiện tại, số điện thoại, gửi Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã quản lý. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo công an khu vực, tổ Covid-19 cộng đồng rà soát, lập danh sách các đối tượng để chủ động giám sát khi xuất hiện các ca bệnh có liên quan. Tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra công tác PCD tại KCN Tân Hương và Long Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang chưa phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng nhưng nguy cơ nhiễm bệnh không nhỏ. Các công ty phải kích hoạt hệ thống phòng ngừa dịch ở mức độ cao nhất và đúng theo quy định. Các ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với công ty điều hành, quản lý KCN để tăng cường kiểm tra, giám sát và có thể kiểm tra đột xuất việc PCD. TP Cần Thơ cũng siết chặt công tác PCD tại các KCN, các doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn.

Cần đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại các KCN

Theo các chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch Covid-19 tại các KCN ở nước ta hiện nay là do đặc điểm các KCN thường thu hút lực lượng lao động đông đến từ nhiều địa phương, người lao động làm việc trong môi trường khép kín, thuận tiện cho dịch bệnh lây nhiễm. Trong khi đó, phần lớn người lao động ở thuê tại các xóm trọ, nhà trọ dành cho công nhân do tư nhân xây dựng và quản lý, cho nên diện tích ở chật hẹp, số lượng người ở chung một phòng thường đông, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại khu vực này rất cao.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, công tác PCD tại các KCN ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia PCD, như chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly PCD khi có trường hợp dương tính xảy ra tại KCN; chưa thực hiện triển khai cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn PCD Covid-19 cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc kiểm tra, tập huấn, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.

Đồng chí Mai Sơn cho biết, qua thực tiễn PCD cho thấy, một số doanh nghiệp trong KCN có số lượng công nhân lớn nhưng chưa thực hiện nghiêm PCD. Các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động thời vụ nhưng không nắm chắc được lý lịch của người lao động, cho nên những đối tượng F1 là lao động thời vụ rất khó truy vết, xác minh. Tới đây, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang cần có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp trong KCN về công tác PCD. Đồng thời, có chính sách quản lý lực lượng lao động thời vụ, không chỉ phục vụ cho công tác PCD mà còn giúp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nếu để xảy ra lây lan dịch phải xử nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, qua kiểm tra công tác phòng, chống và ứng phó với dịch Covid-19 của các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng nhận thấy, các doanh nghiệp đã có ý thức cao và chuẩn bị phòng dịch rất tốt. Nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi Đà Nẵng ghi nhận chùm ca bệnh nhiễm Covid-19 tại KCN An Đồn, các doanh nghiệp cần kích hoạt mức PCD cao nhất, chủ động ứng phó, xử lý khi có các ca bệnh xuất hiện tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cần phải chủ động, bình tĩnh thực hiện nguyên tắc chống dịch từ đầu là “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị” như Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Để tăng cường bảo đảm an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN, Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp PCD Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN; kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp PCD cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm trung bình và nguy cơ lây nhiễm cao. Tổ chức hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN về việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi nhiễm; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức phân luồng y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ cho người lao động tại các KCN. Đồng thời, yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định PCD Covid-19, chịu trách nhiệm về công tác PCD tại cơ quan, đơn vị, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định đã ban hành.

TUYẾN GIANG ĐÀO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/tang-cuong-phong-chong-dich-o-cac-khu-cong-nghiep-645807/