Tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở vùng giáp ranh

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tại hai tỉnh tiếp giáp với Thái Nguyên là Bắc Kạn và Lạng Sơn đang có diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo UBND xã Yên Lạc (Phú Lương) tuyên truyền cho hộ giết mổ, kinh doanh thịt lợn chấp hành tốt việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Lãnh đạo UBND xã Yên Lạc (Phú Lương) tuyên truyền cho hộ giết mổ, kinh doanh thịt lợn chấp hành tốt việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm 2024 đến ngày 23-6, bệnh DTLCP xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong cả nước. Tại tỉnh Bắc Kạn, bệnh DTLCP xảy ra ở trên 90% địa phương cấp xã của 8/8 địa bàn cấp huyện, buộc tiêu hủy gần 10.000 con lợn, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP của cả nước.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, gần 50% địa phương cấp xã của 10/11 địa bàn cấp huyện có bệnh DTLCP, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn, chiếm gần 17% số lợn bị tiêu hủy do DTLCP của cả nước.

Trước tình hình trên, để ngăn chặn bệnh DTLCP lây lan vào tỉnh, UBND tỉnh đã có Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 20/6/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Trong đó đề nghị ngành Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan chuyên trách cấp huyện kiểm tra, đôn đốc lực lượng thú y cơ sở tăng cường giám sát, theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các tỉnh giáp ranh, để có thông tin kịp thời cho toàn dân hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP.

Hiện, những xã nằm giáp ranh với các địa phương của tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn đã và đang triển khai nhiều biện pháp để chủ động ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập, lây lan. Yên Lạc là một trong 2 xã của huyện Phú Lương nằm giáp ranh với huyện Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn. Trên địa bàn xã hiện có 55 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng 4.000 con, có 3 hộ giết mổ và kinh doanh thịt lợn.

Anh Vương Văn Khơi, một người dân chuyên giết mổ và kinh doanh thịt lợn tại chợ Yên Lạc, cho biết: Tôi bán thịt lợn tại chợ được khoảng 10 năm, trung bình một ngày bán gần 100kg thịt. Do gia đình cách địa phận xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới chỉ hơn 3km nên trước đây thỉnh thoảng tôi cũng có sang đó mua lợn. Nhưng từ nhiều tháng nay, khi có thông tin tại tỉnh Bắc Kạn xảy ra bệnh DTLCP, tôi không sang đó mua nữa.

Người dân xã Yên Lạc (Phú Lương) vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Người dân xã Yên Lạc (Phú Lương) vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, cho biết: Chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình DTLCP tại tỉnh Bắc Kạn, để thông tin đến người dân, giúp bà con nắm được và chủ động phòng ngừa. Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn tuyệt đối không vận chuyển lợn giống, lợn thịt, thịt lợn không rõ nguồn gốc tại các địa phương đang có dịch của tỉnh Bắc Kạn.

Xã Bình Long (Võ Nhai) tiếp giáp với huyện Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn cũng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập. Xã hiện có 3 xóm nằm giáp ranh với xã Quyết Thắng của huyện Hữu Lũng. Bà con 2 xã hằng ngày thường đi lại, giao thương với nhau.

Ông Trần Quang Hưng, quyền Chủ tịch UBND xã Bình Long, cho biết: Ngay sau khi có thông tin DTLCP xảy ra tại huyện Hữu Lũng hồi tháng 5-2024, chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống DTLCP cho 140 người dân trong xã; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn bị nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh tại các vùng dịch về địa bàn xã tiêu thụ; vận động nhân dân hạn chế đi đến các địa phương đang có dịch của huyện Hữu Lũng…

Song hành với các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP.

Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, chia sẻ: Chúng tôi đã phối hợp thành lập Đội kiểm tra liên ngành để tuần tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn từ các địa phương khác vào địa bàn huyện; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn ốm, chết không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Đồng thời triển khai các đợt tổng vệ sinh, khử trùng tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng giáp ranh bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường…

Theo ngành chức năng, các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh từ các nơi đang có dịch đến nơi chưa có dịch là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ xâm nhập, lây lan bệnh.

Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, cho biết: Để kiểm soát, ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập vào địa bàn tỉnh, chúng tôi đã và đang tăng cường hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy trình về an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng cường kiểm tra việc giết mổ; kiên quyết xử lý nghiêm vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc…

Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 nghìn con. Đầu tháng 6, bệnh DTLCP xảy ra tại 2 xã Tràng Xá và Dân Tiến (Võ Nhai), với 131 con lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh, tổng khối lượng tiêu hủy trên 3.200kg.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nên đến nay, đã qua 21 ngày trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ DTLCP mới, đủ điều kiện công bố hết dịch.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202406/tang-cuong-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-o-vung-giap-ranh-3bb108a/