Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra vào chiều 16-7.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra vào chiều 16-7.
Nhân sự phụ trách công tác ATTP tuyến cơ sở còn thiếu
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (QLATTP), thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tiếp tục được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra, các cấp ngành lồng ghép đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bước đầu đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người dân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước, nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm…
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cấp, các ngành của thành phố đã thanh tra, kiểm tra 12.875/23.367 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, xử phạt vi phạm hành chính 212 cơ sở với số tiền gần 1,27 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tăng gần 2.490 cơ sở, số trường hợp phát hiện vi phạm các quy định về đảm bảo ATTP giảm 116 trường hợp, tuy nhiên số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng hơn 380 triệu đồng… Trong 6 tháng qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 88 người mắc do ăn bánh mỳ kèm nhân tại cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ Quốc Hiệp. Ban QLATTP đã tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở và đã tham mưu UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 98 triệu đồng…
Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, những khó khăn trong công tác đảm bảo ATTP hiện nay là nhân sự phụ trách công tác ATTP tuyến quận huyện, xã phường còn thiếu, thường xuyên thay đổi nên công tác tham mưu xử lý vi phạm hành chính về ATTP còn hạn chế, nhất là tuyến xã phường. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3/7 quận, huyện có xử lý vi phạm hành chính tuyến xã phường. Công tác xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP còn gặp khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng ở một số chợ đã được xây dựng trước đây, đến nay đã xuống cấp, cần thời gian và kinh phí nâng cấp; mặt khác một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt nên nhìn chung đến nay việc thực hiện các tiêu chí xây dựng chợ đảm bảo ATTP còn chậm. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa chấp hành nghiêm quy định về ATTP, còn vi phạm về các điều kiện bảo đảm ATTP. Vẫn còn tình trạng các hộ kinh doanh tự phát, trái phép ở vỉa hè, đường phố xung quanh chợ. Các cơ sở thức ăn đường phố hoạt động thời gian ngoài giờ hành chính, thường xuyên biến động lúc bán, lúc nghỉ, điều kiện tạm bợ, địa điểm kinh doanh chật hẹp, nhận thức và thực hành về ATTP của người kinh doanh còn hạn chế. Do vậy, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với loại hình này còn khó khăn…
Tăng cường kiểm tra vệ sinh ATTP tại các trường học
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, các đơn vị địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo ATTP, về cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ như: công tác triển khai thực hiện xây dựng chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP, hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm hành chính về ATTP tuyến xã, phường chưa có chuyển biến…
Ông Lê Trung Chinh đề nghị Ban QLATTP tiếp tục tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè, có biện pháp yêu cầu các chủ nhà hàng phải tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP; thường xuyên giám sát, kiểm tra các nhà hàng, nhất là nhà hàng tiệc cưới, các cơ sở dịch vụ ăn uống đông người. Nơi nào không đảm bảo vệ sinh phải xử lý nghiêm và công khai trên các thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết. Đồng thời, Ban QLATTP phối hợp với UBND các quận huyện thanh tra các cơ sở do các quận huyện quản lý; qua đó hỗ trợ, hướng dẫn địa phương về nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính về ATTP; chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH-ĐT đẩy nhanh tiến độ triển khai các trung tâm kiểm nghiệm chuyên sâu về ATTP. Bên cạnh đó, Ban QLATTP hướng dẫn UBND Q. Hải Châu và 2 phường Hòa Thuận Đông, Hòa Cường Bắc triển khai thực hiện có hiệu quả việc thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cũng như, tiếp tục phối hợp với các tỉnh đã ký kết hợp tác cung ứng thực phẩm để giám sát ATTP đối với nguồn rau, trái cây từ các tỉnh nhập vào thành phố.... Đối với Sở NN&PTNT, xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn Châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi thú y đẩy nhanh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về vệ sinh thú y, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là kiểm dịch về giết mổ.
Riêng Sở Công thương tiếp tục tăng cường công tác quản lý 4 chợ lớn, xây dựng các chợ này thành chợ ATTP; chỉ đạo Ban Quản lý các chợ thống kê và quản lý tốt nguồn gốc thực phẩm, tập trung trước mắt là thịt tươi sống, các loại thực phẩm nông - lâm - thủy sản đã qua chế biến; đồng thời, chủ động phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ đầu mối Hòa Phước… UBND các quận huyện tập trung xây dựng các chợ đảm bảo ATTP, tăng cường kiểm tra các chợ tự phát; quản lý, kiểm soát các cơ sở ăn uống lưu động, nhất là trước cổng trường, bệnh viện, các khu công viên… Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: "Chuẩn bị bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT phải tập trung tăng cường công tác kiểm tra VSATTP tại các đơn vị trường học; đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy ngoại khóa về nội dung này. Và kể từ năm học 2019-2020, hằng năm các trường học tổ chức các buổi ngoại khóa hướng về vệ sinh ATTP, giúp các em học làm quen với việc ăn rau sạch, ăn rau củ quả hơn là thịt…"
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_209489_tang-cuong-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-mua-he.aspx