Tăng cường phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh thời gian qua có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, trở thành mầm mống mất an ninh trật tự, ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực tế đó đòi hỏi cần có sự tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương và ngành chức năng, nhằm hạn chế các vi phạm về môi trường xảy ra trên địa bàn.
Tại nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu đô thị, khu tập trung đông dân cư, khu vực nông thôn, tình trạng đổ rác, chất thải nguy hại không qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu ra môi trường khiến một số kênh, mương, ao, hồ, sông nội đồng và hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước; chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, điều hành, phối hợp giải quyết, xử lý ô nhiễm môi trường. Công tác quản lý nhà nước về khai thác, sản xuất, kinh doanh nước sạch tại một số đơn vị, địa phương còn buông lỏng; việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế.
Theo kết quả thống kê của cơ quan chuyên môn, các nguồn nước thải trên địa bàn tỉnh xả vào hệ thống sông, kênh, ao, hồ hiện nay có khoảng trên 500 điểm xả thải từ các KCN, CCN, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, y tế, chăn nuôi, dân sinh với tổng lưu lượng khoảng 165.528m3/ngày đêm. Trong đó, tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 56.245m3/ngày đêm (chiếm khoảng 34%) cơ bản được thu gom, xử lý trước khi xả thải ra môi trường; còn lượng nước thải khoảng 129.283 m3/ngày đêm (chiếm 66%) gồm: nước thải từ các hộ chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề, nước thải từ cơ sở y tế, nước thải dân sinh chưa được kiểm soát, không được xử lý hoặc xử lý không đạt hằng ngày vẫn xả thải trực tiếp ra các sông, kênh, mương, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng môi trường nguồn nước...
Tuy nhiên, hiện nay công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Hành lang pháp lý về xử lý hình sự và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa được quy định cụ thể và đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng các đối tượng lợi dụng sơ hở để hoạt động.

Lực lượng chức năng kiểm tra dây chuyền sản xuất và hệ thống xả thải của Chi nhánh Công ty TNHH xây dựng giao thông Long Nguyệt, xã Thanh Thủy (Thanh Liêm).
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường, thời gian qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng điểm như: vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến; lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải; khai thác tài nguyên, khoáng sản. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp về tình hình ô nhiễm nguồn nước, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, thống kê, lập danh sách, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường của các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải, thu gom, tập kết, xử lý chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và tiến hành lấy mẫu nước để phân tích làm căn cứ xử lý.
Kết quả, từ năm 2023 đến nay, lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 1.416 vụ vi phạm trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường; hoàn thiện hồ sơ khởi tố 26 vụ, 33 bị can phạm tội về bảo vệ môi trường; xử phạt 1.256 tổ chức, cá nhân vi phạm trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền gần 10 tỷ đồng. Điển hình, ngày 18/4/2023, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) phát hiện Công ty TNHH Dệt may Vũ Bằng, có trụ sở tại Cụm CN-TTCN Hòa Hậu (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) đang thực hiện hành vi xả thải nước thải chưa qua xử lý ra sông Châu. Lực lượng chức năng đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, thu mẫu nước đang xả ra ngoài môi trường. Quá trình làm việc, cơ quan công an xác định: Công ty TNHH Dệt may Vũ Bằng vi phạm 3 quy định trong công tác bảo vệ môi trường, gồm: xả nước thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có nồng độ PH theo quy định; không có giấy phép môi trường; không có giấy phép xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường. Căn cứ vào các hành vi vi phạm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh tham mưu Giám đốc Công an tỉnh báo cáo UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dệt may Vũ Bằng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 2,648 tỷ đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả gây ra.
Trước đó, ngày 15/2/2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh do ông Nguyễn Văn Tình (trú tại Tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang sơ chế trên 1 tấn thực phẩm, gồm: nội tạng lợn, bì, mỡ động vật… có hiện tượng biến sắc, bốc mùi hôi thối. Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trên một số lĩnh vực, như: an toàn vệ sinh thực phẩm; khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; thương mại xuất khẩu; xả thải và xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ…
Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, Công an tỉnh xác định tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trọng tâm như: tăng cường công tác nắm tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chú trọng công tác phối hợp với ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; chủ động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm môi trường trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong công tác bảo vệ môi trường và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.