Tăng cường phòng dịch, chuẩn bị kỹ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đợt 2
Chiều 5-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Hà Nội được phân bổ 50 nghìn liều vắc xin của Covax
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày, số ca mắc mới tăng 11%, vào khoảng 582.000 ca/ngày. Còn tại Việt Nam, từ ngày 29-3 đến 5-4 ghi nhận thêm 40 ca mắc mới đều là người nhập cảnh. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 16-2 đến nay, đã qua 49 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn ở mức cao, vì tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời tiếp tục xuất hiện thêm các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Trong khi đó, các chuyên gia tiếp tục nhập cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Đặc biệt, hiện nay, dịch bệnh tại các nước khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các đối tượng nhập cảnh trái phép vào nước ta là rất lớn.
Thời điểm hiện tại, thành phố đang triển khai xét nghiệm sàng lọc cho trường hợp nguy cơ tại các điểm di tích và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, từ ngày 29-3 đến 5-4, các cơ sở khám, chữa bệnh đã khám sàng lọc 1.478 trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở; xét nghiệm sàng lọc cho 3.414/26.000 nhân viên y tế và 89 bệnh nhân nội trú. Kết quả, tất cả đều âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Riêng tại huyện Mỹ Đức, từ ngày 3-4, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên sàng lọc Covid-19 cho 152 người tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống, người chở đò, người bán vé, ban quản lý khu di tích, công an huyện, xã tham gia phân luồng du khách tại khu di tích chùa Hương và kết quả đều âm tính.
Quang cảnh cuộc họp.
Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, từ ngày 29-3 đến 5-4, Sở Y tế và các đơn vị liên quan đã tổ chức tiêm cho 260 người. Như vậy, tính từ ngày 9-3 cho đến nay đã tiêm cho 7.679 người và hiện sức khỏe đều bình thường. Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 năm 2021.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngày 1-4, Việt Nam đã tiếp nhận lô vắc xin Covid-19 đầu tiên với 811.200 liều do chương trình Covax Facility hỗ trợ. Với lô vắc xin này, Hà Nội được phân bổ 50 nghìn liều. Như vậy, đối tượng và địa bàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 sẽ rộng hơn đợt 1. Sở Y tế cũng tăng cường tập huấn công tác khám sàng lọc cho các đơn vị tiêm chủng, đồng thời thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, bảo đảm an toàn và công bằng trong sử dụng vắc xin phòng dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, báo cáo của các quận, huyện: Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên cho thấy, các địa phương vẫn tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt, thời gian qua, các địa phương đã tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm đã tiến hành xử phạt 223 trường hợp với số tiền khoảng 445 triệu đồng, huyện Chương Mỹ xử phạt 17 trường hợp với số tiền hơn 29 triệu đồng...
Về công tác phòng dịch tại các điểm di tích, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận xét, thời gian qua, qua kiểm tra cho thấy, các điểm di tích triển khai khá tốt công tác phòng, chống dịch, trong đó có việc thực hiện "thông điệp 5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sắp tới vào tháng Ba âm lịch sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội. Do đó, các điểm di tích, lễ hội cần tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp phòng dịch. "Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch tại các hoạt động này", bà Trần Thị Vân Anh nói.
Riêng Sở Du lịch Hà Nội, hiện đã thành lập 2 đoàn thanh tra và kiểm tra các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trước và trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, trong đó tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng duy trì 7 tổ công tác kiểm tra công tác phòng dịch tại các bến xe và các cửa ngõ ra, vào Thủ đô trong dịp nghỉ lễ sắp tới.
Tăng cường giám sát dịch tại cửa khẩu, bệnh viện và cộng đồng
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng một lần nữa nhấn mạnh về nguy cơ dịch luôn hiện hữu trên địa bàn thành phố, đồng thời cho rằng, theo kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, khi tình hình đang bình thường, chỉ cần một sự cố xuất hiện tại một điểm nào đó thì dịch đã lan đến các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.
Chính vì vậy, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì công tác phòng dịch một cách thường xuyên và liên tục. "Hiện, thành phố đã nới lỏng các hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Do đó, để bảo đảm an toàn, công tác phòng dịch luôn phải đặt lên hàng đầu. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của trung ương và thành phố về công tác phòng dịch", đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Đề cập đến các biện pháp phòng dịch trong thời gian tới, đồng chí Chử Xuân Dũng yêu cầu tiếp tục tăng cường và duy trì công tác tuyên truyền để người dân nắm được tình hình dịch bệnh của thế giới và Việt Nam, tránh tâm lý lơ là, chủ quan. Cùng với đó, các tổ chức, cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... và nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo thông điệp "5K" của Bộ Y tế.
"Các đơn vị, sở, ngành, các nhà máy, xí nghiệp, công ty, nhà hàng... cần duy trì việc tự kiểm soát phòng dịch và chịu trách nhiệm về công tác này tại đơn vị mình phụ trách", đồng chí Chử Xuân Dũng nói.
Riêng đối với Sở Y tế Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch tại cửa khẩu, tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện và xử trí sớm các ca mắc. Cụ thể, triển khai xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở khám, chữa bệnh đối với nhân viên y tế và các bệnh nhân có nguy cơ.
Đặc biệt, tới đây, khi thành phố chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 đợt 2 với số lượng và quy mô rộng hơn, ngành Y tế Thủ đô cần tiếp tục chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho công tác tiêm chủng, bảo đảm việc tiêm chủng diễn ra an toàn, đúng đối tượng theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tuyệt đối bảo đảm công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng chí Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu công an thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát, nắm bắt địa bàn, xử lý nghiêm các đối tượng nhập cảnh trái phép và chủ các cơ sở lưu trú có người nhập cảnh trái phép.
"Các quận, huyện, thị xã phải bảo đảm giám sát chặt chẽ đối với trường hợp hoàn thành cách ly tập trung đủ 14 ngày và cả những trường hợp được điều trị khỏi Covid-19 khi trở về địa phương. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại trụ sở cơ quan, các địa điểm kinh doanh dịch vụ, lễ hội, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm công cộng, tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại cộng đồng", đồng chí Chử Xuân Dũng lưu ý.
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.