Tăng cường phòng dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục

Ngày 28/2, thế giới tiếp tục ghi nhận diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19). Tại Việt Nam, thành tựu phòng chống dịch được Tổ chức y tế thế giới ghi nhận. Công tác phòng dịch vẫn tiếp tục được đẩy mạnh song song với việc các cơ sở giáo dục nỗ lực làm vệ sinh nhằm chuẩn bị đón học sinh quay lại trường.

Ngày 28/2, trước tình hình trên thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hàn Quốc, Iran, Italia và một số nước khác, để đảm bảo hiệu quả công tác ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc vào Việt Nam từ 0 giờ, ngày 29/2/2020.

Nhân viên y tế Hàn Quốc làm nhiệm vụ tại một khu dân cư ở thành phố Daegu, nơi phát hiện các trường hợp có triệu trứng nhiễm virus SARS-CoV-2, ngày 27/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế Hàn Quốc làm nhiệm vụ tại một khu dân cư ở thành phố Daegu, nơi phát hiện các trường hợp có triệu trứng nhiễm virus SARS-CoV-2, ngày 27/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, công dân Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam với thị thực phù hợp do Việt Nam cấp. Đây là biện pháp tạm thời, phù hợp trong giai đoạn diễn biến dịch bệnh phức tạp. Người nước ngoài đi từ các vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt từ Iran, Italia sẽ tiến hành cách ly 14 ngày theo quy định, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và tránh lây lan dịch bệnh vào Việt Nam. Cũng trong ngày 28/2/2020, theo đề nghị của phía Hàn Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiến hành điện đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi về việc Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng thực hiện miễn thị thực đơn phương đối với công dân Hàn Quốc và đề nghị Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch nói chung và hỗ trợ công dân, doanh nghiệp làm ăn, sinh sống tại mỗi nước nói riêng, mong muốn hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên vẫn được duy trì bình thường. Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha thông báo các nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19; khẳng định Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục nỗ lực để khoanh vùng dịch bệnh; nhấn mạnh sẽ hỗ trợ y tế miễn phí theo tiêu chuẩn của WHO đối với công dân Việt Nam tại Hàn Quốc.

Tại cuộc họp sáng 28/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, người nhập cảnh; thực hiện các biện pháp ngăn chặn quyết liệt nhằm phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng điều trị và dập dịch triệt để.

Từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam chưa xuất hiện ca nhiễm mới. Tuy nhiên, với tình trạng dịch lây lan ra cộng đồng trên toàn cầu như cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Phó Thủ tướng yêu cầu luôn sẵn sàng, bình tĩnh ứng phó khi có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Sáng 28/2, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (US CDC) đã đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, công khai, minh bạch. Đại diện hai tổ chức này bày tỏ: Cộng đồng quốc tế mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.

Ngày 28/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch COVID-19) đã ký Công văn số 953/CV-BCĐ gửi tới các bộ ngành và địa phương về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức cách ly y tế ngay các trường hợp về từ các vùng có dịch của Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng, lãnh thổ các nước khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngay trong ngày 28/2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, nếu tình hình dịch bệnh tăng cao trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng huy động thêm 1.000 giường bệnh tại những bệnh viện mới được xây dựng để cách ly bệnh nhân COVID-19.

Trong ngày 28/2, Bộ Y tế ra văn bản số 914/BYT-MT đề nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19 trong trường học, ký túc xá. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị mỗi cá nhân học sinh, sinh viên và gia đình hỗ trợ để tự tăng cường và bảo vệ sức khỏe qua các hoạt động sinh hoạt, thể thao, dinh dưỡng; theo dõi nhiệt độ… Với các nhà trường, trước khi học sinh, sinh viên, học viên quay trở lại học, các nhà trường phải đảm bảo: Đủ nước uống hợp vệ sinh; học sinh có đồ dùng riêng, được khử khuẩn sau mỗi ngày học; đảm bảo có đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học; tăng cường thông khí tại lớp học, không sử dụng điều hòa. Trong thời gian học sinh ở trường, nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm; từng lớp tổ chức chào cờ tại lớp học; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp. Trong thời gian học tại trường, mỗi ngày một lần, sau giờ học, nhà trường lau khử khuẩn nền nhà, tường nhà (nếu có thể), các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng. Mỗi ngày hai lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày, lau khử khuẩn tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy. Mỗi ngày một lần, nhà trường dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn khu vực rửa tay, nhà vệ sinh. Các phương tiện đưa đón học sinh, mỗi ngày hai lần, sau mỗi chuyến đưa, đón học sinh, phải lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe…

Trường THPT Thạch Bàn (Gia Lâm) huy động giáo viên và phụ huynh làm vệ sinh lớp học. Ảnh: Lê Phú

Trường THPT Thạch Bàn (Gia Lâm) huy động giáo viên và phụ huynh làm vệ sinh lớp học. Ảnh: Lê Phú

Một số cơ sở giáo dục đang nỗ lực để chuẩn bị cho việc trở lại trường học vào đầu tuần tới (2/3). Tại Hà Nội, nhà trường và phụ huynh các trường THPT như Phan Đình Phùng, Thạch Bàn... trong ngày 28/2 đã cùng làm vệ sinh trường, lớp học, chuẩn bị dung dịch khử khuẩn cho các lớp. ĐH Hà Nội và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, mỗi trường có trung bình 400 - 500 sinh viên Trung Quốc và hàng trăm sinh viên, giáo viên Hàn Quốc cùng các sinh viên đến từ các vùng quốc gia, lãnh thổ khác. Tại ĐH Hà Nội, thời điểm này, sinh viên đang trong thời gian nghỉ do dịch COVID -19. Những công việc của phòng hành chính, ban lãnh đạo trường và việc vệ sinh thường xuyên trường học trong mùa dịch vẫn được các trường duy trì. Tại ĐH Hà Nội, sinh viên quốc tế đã về trong dịp Tết chưa trở lại, một số trở lại đã được cách ly. Đa số sinh viên quốc tế của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn vẫn chưa trở lại trường sau dịp Tết Nguyên đán. Theo GS TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, một số em vẫn ở Việt Nam đã được trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế cấp phường, quận, rà soát theo dõi hỗ trợ các em trong thời gian này.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhiều trường nghề trên cả nước đang tích cực chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất và triển khai phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế để có thể đón học sinh, sinh viên trở lại từ 2/3.

Trước những nỗ lực nhằm bảo đảm môi trường học đường an toàn, một số trường học đã quyết định cho học sinh trở lại trường vào đầu tuần sau (2/3). Tại Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định cho sinh viên, học viên hệ sau đại học trở lại trường học vào ngày 2/3. Các trường cũng lưu ý sinh viên, học viên tự bảo vệ bản thân, cộng đồng khi dịch COVID - 19 chưa dấm dứt. Các nhà trường chuẩn bị sẵn dung dịch khử khuẩn để học sinh, giảng viên sử dụng.

Trong khi đó, tại Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định trong chiều tối 28/2: Hơn 2 triệu học sinh từ cấp mầm non cho đến hết lớp 12 của Hà Nội sẽ lùi thời gian đi học cho đến hết ngày 8/3. Sau thời gian này sẽ căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch bệnh để quyết định cho học sinh đi học trở lại. Còn khoảng 180.000 học sinh (của 284 cơ sở lao động dạy nghề do thành phố và Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý) sẽ đi học từ ngày 2/3. Đối với các trường quốc tế, theo đề nghị của hiệu trưởng các trường quốc tế đã cam kết môi trường vệ sinh đảm bảo an toàn, thì TP. Hà Nội đồng ý cho học sinh đi học.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 28/2, nhiều trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cho sinh viên tiếp tục nghỉ học từ 1-2 tuần. Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho sinh viên nghỉ đến hết ngày 15/3/2020; Trường Đại học Tôn Đức Thắng hoãn việc tổ chức thi giữa kỳ Học kỳ II năm học 2019-2020 từ ngày 2/3/2020 cho đến hết ngày 8/3/2020. Các trường khác như Đại học Ngân hàng, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh… cũng tiếp tục cho sinh viên nghỉ thêm 1 tuần, đến hết ngày 7/3.

Theo số liệu thống kê về tình hình dịch COVID-19 của Bộ Y tế, tới 21 giờ ngày 28/2, thế giới có 83.728 ca nhiễm, 2.861 trường hợp tử vong. Riêng Trung Quốc có 78.824 ca nhiễm, 2.788 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, 16 trường hợp nhiễm đều được điều trị thành công, ra viện. Số trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng): 105 trường hợp. Ngoài ra, đến ngày 27/2 có 6.282 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

PV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/tang-cuong-phong-dich-covid19-tai-cac-co-so-giao-duc-20200228215926437.htm