Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 'tín dụng đen'
Mới đây, UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 1370/UBND-NC về việc tăng cường giải pháp phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 'tín dụng đen' trên địa bàn.
Vừa qua, huyện Đức Trọng đã ban hành văn bản số 1370/UBND-NC về việc tăng cường giải pháp phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và “tín dụng đen”, theo đó đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể huyện, các phòng ban, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn Liên Nghĩa theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao thực hiện các nội dung sau:
Tăng cường triển khai các hoạt động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo chỉ đạo của Huyện ủy tại Văn bản số 1183-CV/HU ngày 23/5/2023.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vay và cho vay trong các giao dịch dân sự; những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ, phường thời gian qua để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tiến hành rà soát đánh giá hiệu quả các mô hình phòng chống tội phạm. Đảm bảo lực lượng thường trực giải quyết kịp thời tình hình ANTT xảy ra tại cơ sở.
Thực hiện tốt công tác phát động, vận động quần chúng giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng giao Công an huyện chỉ đạo lực lượng công an huyện, công an các xã, thị trấn: tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty tư vấn, hỗ trợ tài chính, hoạt động của các tổ chức tín dụng… kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng núp bóng để hoạt động “tín dụng đen”.
Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về ANTT đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện; quản lý cư trú, nhất là số lao động tự do, số thuê nhà biệt lập tại địa phương. Rà soát, quản lý các công ty tài chính, tín dụng, các dịch vụ cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng điện thoại, các đối tượng có biểu hiện huy động vốn lãi suất cao có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đầu tư tài chính, tiền ảo.
Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản, vỡ hụi, họ… và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Công an huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử điểm các vụ án liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các hành vi khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật phục vụ công tác phòng ngừa xã hội.