Tăng cường phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế
Tiếp nối chuỗi Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ngày 30/11/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 11/2023 với chủ đề: 'Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế'.
Hội nghị thu hút trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nền kinh tế thế giới đang chịu tác động của những cuộc đa khủng hoảng toàn cầu cùng những ảnh hưởng từ hậu quả của đại dịch Covid-19, trong đó vấn đề lừa đảo trong thương mại quốc tế tương đối nổi cộm với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi.
Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Có thể thấy, tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cùng với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kết nối đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm xuất khẩu, nhưng đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hóa kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp.
Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.” - Ông Hoàng Minh Chiến nhận định.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, tranh chấp và gian lận thương mại là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải tính đến. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.
Các lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới.
Hiện nay, nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, doanh nghiệp cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, doanh nghiệp không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro.
Đặc biệt, lợi dụng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu đẩy mạnh xuất nhập khẩu nên có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn trong giao dịch.
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, Châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, Châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy...).
Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, thời gian qua Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp bị lừa đảo trong giao thương quốc tế vẫn xảy ra.
Tại Hội nghị sẽ tập trung trao đổi về những khó khăn, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế; thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Hội nghị bao gồm 2 phiên chính:
- Phiên 1 dành cho các đại diện: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam trao đổi về những khó khăn, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế.
- Phiên 2 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, Italia, Nam Phi, Hoa Kỳ, Brazil, Canada, Philippines thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và phát triển xuất khẩu.