Tăng cường phòng trừ chuột hại để bảo vệ sản xuất

Ở một số địa phương trong tỉnh, nông dân trồng lúa dùng 'hàng rào' nilon để ngăn cản sự phá hại của chuột. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế sản xuất thời điểm hiện tại, việc chỉ áp dụng cách thức đơn lẻ này mang lại rất ít tác dụng. Theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, ở một vài vụ sản xuất gần đây, chuột gia tăng gây hại trên diện tích lúa và ngô. Tại vụ xuân 2020, mức độ phá hại của chuột càng mạnh với phạm vi rộng khắp 10/10 huyện, thành phố.

Đoàn kiểm tra Sở NN&PTNT nắm bắt tình hình chuột hại gây thiệt hại nặng trên diện tích lúa của xứ đồng Gò Mu, xã Thanh Cao (Lương Sơn).

Đoàn kiểm tra Sở NN&PTNT nắm bắt tình hình chuột hại gây thiệt hại nặng trên diện tích lúa của xứ đồng Gò Mu, xã Thanh Cao (Lương Sơn).

Những đồng lúa đang thời kỳ đòng già - trỗ bông thuộc địa bàn các xã Thanh Cao, Thanh Sơn (Lương Sơn) bị chuột hại cắn phá, ăn đòng non khiến nhiều ruộng lúa tươi tốt trở nên tan hoang, có chỗ thiệt hại từng khoảng, có nơi thiệt hại cả ruộng. Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân xóm Gò Mu, xã Thanh Cao cho biết: Cả xứ đồng có hơn 1 ha lúa bị thiệt hại do chuột, thì thửa ruộng 500 m2 của gia đình tôi bị thiệt hại nặng nhất, xác định không cho thu hoạch. Bà con nông dân đang thực hiện các biện pháp phòng trừ để cứu vãn sản lượng, ngăn chặn chuột hại tấn công.

Thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện có hơn 400 ha lúa bị chuột hại, trong đó, khoảng 20% diện tích thiệt hại nặng. Chuột hại xuất hiện ở hầu khắp đồng ruộng các xã, nhất là các điểm ruộng vùng ven gò, đồi. Sau huyện Lương Sơn, huyện Kim Bôi cũng đang gặp tình trạng chuột hại đáng lo ngại. Đồng chí Bùi Thành Hải, Trưởng trạm TT&BVTV huyện cho biết: 3/4 diện tích lúa của huyện đang ở thời kỳ lúa trỗ bông. Chuột đang gây hại trên nhiều diện tích lúa giống chất lượng cao. Qua rà soát, diện tích lúa bị chuột hại của cả huyện khoảng 45 ha, trong đó có 2,5 ha thiệt hại rất nặng, tập trung ở các xã: Xuân Thủy, Nam Thượng, Kim Lập...

Trước tình hình chuột hại đang diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp tại các địa phương, Sở NN&PTNT vừa tổ chức đợt kiểm tra, nắm bắt thực tế, đồng thời đôn đốc cơ sở, đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp nhằm phòng trừ, ngăn chặn sự phá hoại của chuột đối với sản xuất. Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV, diện tích lúa, ngô cần được phòng trừ chuột hại toàn tỉnh khoảng 800 ha, riêng diện tích lúa trên 700 ha.

Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo: Chuột đang là đối tượng dịch hại gây tác hại lớn cho sản xuất trồng trọt hiện nay. Khuyến cáo bà con nông dân để phòng trừ chuột hiệu quả phải căn cứ vào đặc điểm sinh học của chuột và điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, việc phòng trừ phải được tiến hành thường xuyên, áp dụng tổng hợp các biện pháp. Các biện pháp phòng trừ tổng hợp gồm: biện pháp thủ công là sử dụng bẫy bán nguyệt, bẫy keo dính; biện pháp sinh học, cụ thể là duy trì và phát triển đàn mèo, phổ biến cho nông dân không săn bắt, giết thịt các thiên địch của chuột có trong tự nhiên như rắn, trăn... Hạn chế sử dụng các loại thuốc diệt chuột có độc tố cao, có thể gây hại cho các loài thiên địch như mèo, chó. Các biện pháp hóa học hiện tại vẫn được dùng ở các chiến dịch diệt chuột, hoặc khi chuột phát triển với mật độ cao. Tuy nhiên, cần hạn chế dùng thuốc có độ độc cấp tính vì rất độc hại với người và động vật. Khi dùng phải thật cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng thốc và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/140778/tang-cuongphong-tru-chuot-hai-de-bao-ve-san-xuat.htm