Tăng cường phòng trừ chuột và bệnh đạo ôn hại lúa

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy hơn 26.000 ha lúa. Hiện nay các trà lúa đang bước vào giai đoạn đứng cái - làm đòng, sinh trưởng khá tốt. Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đến thời điểm này đã có hơn 900 ha lúa bị chuột phá hại. Trong khi đó, bệnh đạo ôn mặc dù mới xuất hiện nhưng cũng đã có hơn 550 ha lúa bị nhiễm bệnh. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang cùng với nông dân đẩy mạnh diệt chuột và phòng trừ triệt để bệnh đạo ôn, tránh nguy cơ lây lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.

 Tăng cường bón phân kali giúp cho cây lúa có sức đề kháng với bệnh đạo ôn. Ảnh: TQ

Tăng cường bón phân kali giúp cho cây lúa có sức đề kháng với bệnh đạo ôn. Ảnh: TQ

Vừa đi dọc theo bờ ruộng, một tay gài bẫy, một tay bỏ nhúm hạt lúa để làm mồi nhử diệt chuột, ông Trần Duy Bình ở tại Hợp tác xã (HTX) Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh vừa cho biết, do chuột khá nhiều nên bên cạnh bắt chuột bằng bẫy bán nguyệt, ông còn phải trổ nước thường xuyên vào ruộng cho ngập chân lúa để chuột không bò vào ruộng cắn phá. Đối với bệnh đạo ôn, theo ông Bình, do canh tác với diện tích lớn, hơn 3 ha nên bên cạnh tuân thủ đúng lịch thời vụ, ông còn thường xuyên thăm đồng để kiểm tra sinh trưởng của lúa; khi thấy thời tiết thời gian qua trời âm u, mưa nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, ông đã kịp thời liên hệ HTX để lấy thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) về phun phòng bệnh đạo ôn ngay khi bệnh mới xuất hiện nên hiện nay ruộng lúa của gia đình ông vẫn bình thường, cây lúa sinh trưởng tốt. “Giai đoạn lúa bắt đầu trổ đòng như thế này chỉ cần một ngày không thăm lúa mà để mặt ruộng khô nước là chuột bò vào cắn phá ngay. Có những đám ruộng bị chuột cắn chân lúa, không khôi phục được. Còn bệnh đạo ôn thì tương đối ổn, chỉ cần tăng cường bón thêm phân thúc đòng để đủ dinh dưỡng cho cây lúa phát triển”, ông Bình nói.

Trao đổi với chúng tôi khi vừa đi kiểm tra đồng ruộng về, ông Lê Văn Thương, Giám đốc HTX Vinh Quang Thượng cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn HTX gieo trồng hơn 120 ha lúa. Mặc dù tuân thủ đúng lịch thời vụ nhưng do năm 2019 không có lũ lụt xảy ra nên sau khi xuống giống một số diện tích lúa của xã viên đã bị chuột và ốc bươu vàng gây hại. Để cây lúa phát triển tốt, HTX đã chỉ đạo xã viên thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ ngay từ đầu các loại sâu bệnh hại. Đối với bệnh đạo ôn trên lá, ngay sau khi bệnh vừa mới phát sinh, HTX đã cùng với Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh hướng dẫn xã viên kịp thời phun trừ nên đến nay toàn bộ diện tích nhiễm bệnh đã được khống chế. “Kinh nghiệm cho thấy, bệnh đạo ôn lá nếu không diệt trừ dứt điểm thì đến khi cây lúa chuyển sang giai đoạn làm đòng rất dễ bị bệnh đạo ôn cổ bông, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Do vậy, để cây lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại, làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, HTX đang cùng với xã viên tích cực thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn để có biện pháp phòng trừ kịp thời, quyết tâm không để phát sinh và lây lan ra diện rộng”, ông Thương nhấn mạnh.

Theo thống kê của Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy hơn 4.680 ha lúa; hiện nay cây lúa đang bước vào giai đoạn đứng cái - làm đòng. Tuy nhiên, qua điều tra khảo sát toàn huyện đã có gần 420 ha lúa bị chuột phá hại. Ngoài ra, bệnh đạo ôn hiện đang là mối lo lớn nhất với 225 ha nhiễm bệnh, trong đó có 18 ha nhiễm nặng; tỉ lệ bệnh phổ biến từ 5 - 30%. Bệnh gây hại chủ yếu trên giống HC95, Bắc thơm 7, Đài thơm 8 và những chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm. Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Gio Linh Võ Thị Tuyết Trinh cho biết: Điều kiện thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là bệnh đạo ôn. Do vậy, cùng với thông báo rộng rãi và vận động nông dân kiểm tra đồng ruộng, trạm đã tăng cường cán bộ về tận cơ sở cùng với nông dân thăm đồng để theo dõi sát diễn biến sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh.

Tại huyện Hải Lăng, một trong những địa phương trọng điểm sản xuất lúa với tổng diện tích hơn 6.800 ha, hiện cây lúa đang ở giai đoạn làm đòng. Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn thông tin, ngoài 82 ha lúa bị chuột gây hại thì bệnh đạo ôn lá đang tiếp tục phát sinh và gây hại trên diện tích 75 với tỉ lệ bệnh từ 3 - 7%, nơi cao từ 10 - 20%. Hiện người dân đang triển khai diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, đặt bẫy, sử dụng thuốc hóa học, sinh học… Còn đối với bệnh đạo ôn, theo ông Tuấn, với điều kiện thời tiết nắng nóng, sương mù vào sáng sớm như hiện nay, bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục lây lan, gây hại nếu không được phun trừ kịp thời hoặc phun trừ không đúng kỹ thuật. Đặc biệt là trên các trà lúa gieo sớm, vùng đất cát, cát pha, bán sơn địa; trên các giống nhiễm như HC95, HT1, nếp, Ma lâm 48, Uron..., ruộng gieo dày, bón thừa đạm. “Trạm TT&BVTV đã tổ chức hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật như điều tiết nước, chăm sóc, bón phân; diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên dùng thuốc diệt chuột sinh học; theo dõi và phun trừ kịp thời bệnh đạo ôn bằng thuốc đặc hiệu. Đồng thời, tiếp tục điều tra, theo dõi các đối tượng sâu bệnh hại khác như rầy các loại, bọ trỉ, sâu cuốn lá nhỏ, tuyến trùng rễ, khô vằn, bạc lá vi khuẩn, sâu năn, nhện gié… để có hướng dẫn phòng trừ kịp thời”, ông Tuấn khẳng định.

Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 900 ha lúa bị chuột phá hại, ngoài ra còn có hơn 550 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn; trong đó có 25 ha nhiễm nặng, đã gây cháy cục bộ một số nơi ở huyện Gio Linh. Bệnh hại nặng trên các chân ruộng gieo dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm và trên các giống HC95, Bắc thơm 7, IR38, Đài thơm 8... Theo dự báo thời gian tới thời tiết trời âm u, đêm và sáng sớm có sương mù, đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh tiếp tục phát triển, lây lan trên diện rộng, gây hại nặng và có thể gây cháy nhiều vùng nếu việc phòng trừ bệnh không kịp thời và triệt để.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn cho biết, bệnh đạo ôn là bệnh nguy hiểm, gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và trên các bộ phận của cây lúa như lá, cổ bông, hạt. Nguồn bệnh đạo ôn còn tồn tại ở dạng sợi nấm và bào tử trong rơm, rạ và hạt bị bệnh, ngoài ra nấm còn tồn tại trên một số cây cỏ dại khác. Triệu chứng bệnh ban đầu trên lá chỉ là những vết chấm nhỏ, sau đó lớn dần lên có dạng hình thoi đặc trưng, viền nâu, tâm màu xám trắng. Khi bệnh nặng, các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô. Bệnh có thể làm giảm tới 80% năng suất lúa, thậm chí mất trắng nếu không phòng trừ kịp thời và đúng kỹ thuật. Theo ông Tuấn, hiện cây lúa đang ở thời kỳ làm đòng. Đây cũng là thời điểm nông dân bón phân thúc cho lúa nên càng làm bệnh dễ dàng phát sinh và lây lan nhanh hơn. Cộng với điều kiện thời tiết đêm và sáng sớm có sương mù như hiện nay rất thuận lợi cho bệnh gây hại nặng và lây lan trên diện rộng, có nguy cơ gây cháy nhiều nơi nếu việc phòng trừ bệnh không kịp thời và triệt để. Do vậy, để phòng trừ bệnh đạo ôn có hiệu quả nông dân cần tăng cường thăm đồng, chủ động phòng trừ ngay khi bệnh mới chớm xuất hiện (tỉ lệ bệnh khoảng 5%). Cụ thể, ông Tuấn khuyến cáo, trên các chân ruộng bị bệnh đạo ôn cần phải ngừng bón tất cả các loại phân, kể cả phân bón qua lá, các chất kích thích sinh trưởng và giữ đủ nước trong ruộng; khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc như Beam, Fillia, Fujione, Flash, Map Famy… với liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất. Chú ý phải phun ướt đẫm lá, đảm bảo lượng nước thuốc đã pha ít nhất 20 lít/sào; những ruộng bị bệnh nặng phải phun thuốc tiếp làn 2 sau 5 - 7 ngày mới có hiệu quả. Những ruộng đã bị nhiễm bệnh đạo ôn sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới được bón phân nhưng cần lưu ý là không bón thừa đạm và tăng cường bón phân kali giúp cho cây có sức đề kháng với bệnh; phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ từ 5 - 7 ngày trên những chân ruộng đã bị đạo ôn lá và vùng có áp lực bệnh cao. Đồng thời duy trì diệt chuột bằng nhiều biện pháp, đặc biệt ưu tiên biện pháp dùng bẫy bán nguyệt do có hiệu quả cao. “Ngoài ra, nông dân cần thường xuyên thăm đồng kiểm tra các đối tượng sâu bệnh khác như rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, nhóm bệnh do vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ,... để có biện pháp quản lý kịp thời”, ông Tuấn lưu ý thêm.

Thục Quyên - Nguyễn Lan

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146709