Tăng cường phòng vệ an toàn trực tuyến
Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) công bố tình hình an ninh mạng Việt Nam thời gian qua với những con số rất đáng lo ngại.
Theo đó, năm 2023 đã có 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng 9,5% so với năm 2022. Trong đó có tới 554 website của các cơ quan, tổ chức chính phủ và giáo dục có tên miền .gov.vn, .edu.vn bị xâm nhập, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ.
Thống kê từ hãng bảo mật Kaspersky cũng cho thấy, tỷ lệ người dùng Việt Nam bị nhiễm mối đe dọa từ web là 34%, đặt Việt Nam ở vị trí thứ 67 trên thế giới về mức độ nguy hiểm khi lướt web. Điều này cho thấy việc bảo vệ an toàn trực tuyến vẫn là một thách thức đối với người dùng Việt Nam.
Các chuyên gia công nghệ cảnh báo, tuy số vụ tấn công trực tuyến giảm trong những tháng gần đây, nhưng cần cảnh giác với tội phạm mạng sử dụng các chiến thuật khai thác lỗ hổng trong trình duyệt và các plugin, cũng như các phương pháp tấn công phi kỹ thuật khác. Để đối phó với những mối đe dọa này, người dùng cần sử dụng các giải pháp bảo mật tiên tiến và các cơ quan, doanh nghiệp cần đầu tư vào các giải pháp và dịch vụ bảo mật chuyên nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, với nỗ lực không ngừng của Chính phủ, số lượng các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam đã liên tục giảm trong vài năm qua. Sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đã giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan và đơn vị đang áp dụng biện pháp tăng cường an toàn thông tin. Chiến dịch phối hợp cấp độ quốc tế của Việt Nam là một ví dụ điển hình về việc phối hợp các lực lượng trong cuộc chiến chống tội phạm mạng.
Tuy nhiên, tỷ lệ máy tính tại Việt Nam bị mã độc tấn công (43,6%) vẫn ở mức cao của thế giới. Người dùng di động sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các loại mã độc có khả năng xâm nhập, khai thác lỗ hổng, chiếm quyền điều khiển điện thoại. Không chỉ mã hóa dữ liệu nhằm đòi nạn nhân trả tiền chuộc, tin tặc có thể rò rỉ, bán dữ liệu cho bên thứ 3 để tối đa số tiền thu được.
Tình trạng lộ lọt dữ liệu của người dùng tại Việt Nam đã ở mức báo động khi Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân. Nghiêm trọng hơn, các dữ liệu này đã được rao bán công khai trên các diễn đàn, hội nhóm, kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến.
Do đó, việc nâng cao nhận thức và cảnh giác về an ninh mạng là rất quan trọng. Cá nhân và doanh nghiệp cần tuân thủ các biện pháp bảo mật cơ bản như cập nhật phần mềm, sử dụng mật khẩu mạnh và hạn chế truy cập vào các trang web đáng ngờ.
Ngoài ra, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo an ninh mạng cũng là yếu tố quan trọng. Đồng thời, việc xây dựng một hệ thống pháp lý vững chắc để trừng phạt các hành vi tấn công mạng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ tấn công.
Việc tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa chính phủ, các tổ chức bảo mật và các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Chỉ thông qua sự cộng tác chặt chẽ, chúng ta có thể nắm bắt và đối phó với các mối đe dọa mạng một cách hiệu quả.
Thiết nghĩ, sự ra đời của Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân và sắp tới đây là Nghị định về xử phạt liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ buộc các tổ chức thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu cá nhân phải có trách nhiệm tăng cường, nâng cao các biện pháp quản lý cũng như biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an ninh dữ liệu.
Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, tìm hiểu thông tin để nhận diện được các thủ đoạn lừa đảo. Từ đó giúp bản thân có kỹ năng tự phòng vệ khi tham gia không gian mạng.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-phong-ve-an-toan-truc-tuyen-post473429.html