Tăng cường quản lí thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển

Thực hiện quy chế về quản lí thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển, thời gian qua ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp, hỗ trợ ngư dân thực hiện tốt việc đảm bảo thông tin liên lạc khi có tình huống xảy ra do thiên tai, lụt bão, tai nạn rủi ro trên biển.

 Việc nhà nước hỗ trợ, trang bị máy thông tin liên lạc cho ngư dân đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: T.T

Việc nhà nước hỗ trợ, trang bị máy thông tin liên lạc cho ngư dân đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: T.T

Gio Linh là địa phương có 4 xã, thị trấn có các hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển gồm Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang, thị trấn Cửa Việt. Toàn huyện có 939 tàu thuyền cơ giới khai thác hải sản và dịch vụ với tổng công suất 80.474 CV, trong đó có 169 tàu xa bờ. Năm 2019, sản lượng hải sản đánh bắt ước đạt 14.133 tấn. Có 15 đội tàu khai thác xa bờ, duy trì 9 tổ tàu thuyền tự quản khai thác trên biển. Đến thời điểm hiện tại, đã có 169 chiếc tàu cá được lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS), 18 tàu đã gắn thiết bị giám sát hành trình.

Ông Bùi Đình Trầm, ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh cho biết: “Tàu của tôi đã lắp đầy đủ các thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc từ 4 năm nay. Hiệu quả thấy rõ nhất là những khi có áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc tin thời tiết nguy hiểm trên biển, chúng tôi được thông tin đầy đủ các bản tin dự báo để thông báo cho các tàu trong tổ và tàu cá khác biết để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiết bị sử dụng sóng HF nên còn phụ thuộc vào thời tiết, thời tiết xấu thì khó liên lạc”.

Nhờ thực hiện tốt việc lồng ghép các cuộc họp dân để tổ chức phổ biến, tuyên truyền quy chế về quản lí thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển đến các chủ tàu và nhân dân trên địa bàn thuộc các xã ven biển biết để thực hiện nên trong năm qua, trên địa bàn huyện Gio Linh không xảy ra vi phạm nào nghiêm trọng trên biển ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của ngư dân.

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 2.289 chiếc tàu, thuyền tham gia khai thác thủy, hải sản, trong đó số tàu cá có chiều dài 15m trở lên 381 chiếc và có 228 chiếc tàu có công suất trên 90 CV. Trong đó có 184 chiếc tàu cá được nhà nước hỗ trợ thiết bị liên lạc tầm xa, 18 chiếc được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Về ngư trường khai thác thủy sản chủ yếu ở khu vực đảo Cồn Cỏ, vịnh Bắc Bộ và ven bờ biển tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra có một số tàu đăng kí tham gia khai thác thủy sản tại vùng biển xa ở khu vực đảo Trường Sa. Việc nhà nước hỗ trợ, trang bị máy thông tin liên lạc cho ngư dân đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thuyền trưởng đã có được thiết bị liên lạc thông suốt giữa tàu với tàu, giữa tàu với cơ quan quản lí như Chi cục Thủy sản, Biên phòng, Đài thông tin duyên hải và liên lạc về nhà. Trước đây chưa trang bị máy HF chủ tàu khai thác ở vùng biển xa phải vào các đảo, nhà giàn trên biển để xác định vị trí rất khó khăn, tốn kém thời gian, nhiên liệu và nguy hiểm. Trang bị máy thông tin liên lạc giúp thuyền trưởng khai thác được các thông tin cần thiết để áp dụng vào quá trình đánh bắt. Đồng thời hỗ trợ tích cực cho cơ quan nhà nước theo dõi, giám sát quá trình khai thác trên biển nhằm chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Với những lợi ích thiết thực, ngư dân hiện nay rất quan tâm việc lắp đặt các thiết bị thông tin liên lạc cho tàu cá. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế của ngư dân đang gặp khó khăn nên việc tự trang bị thiết bị thông tin liên lạc còn hạn chế, nhất là việc trang bị phao phát tín hiệu tàu bị nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh CospasSarsat. Các tàu thuyền có công suất nhỏ (công suất dưới 90 CV) hoạt động chủ yếu ở vùng biển được phủ sóng điện thoại di động nên ít sử dụng thiết bị vô tuyến điện VHF (bộ đàm), trong khi đó, việc sử dụng điện thoại di động thường thay đổi số và không khai báo với cơ quan quản lí nên rất khó tiếp nhận thông tin khi có sự cố xảy ra.

Để triển khai hiệu quả quy chế quản lí thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chủ tàu, thuyền trưởng về các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động của tàu cá khi đánh bắt, khai thác thủy sản trên vùng biển xa. Hướng dẫn chính sách về viễn thông công ích đối với ngư dân, việc trang bị, cài đặt, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc khi thực hiện khai thác thủy sản trên biển. Các đồn biên phòng tuyến biển đã lập hồ sơ theo dõi các phương tiện nghề cá, nhất là đối với tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên sử dụng thiết bị vô tuyến điện liên lạc tầm xa HF, hướng dẫn các chủ tàu chưa có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông để làm thủ tục cấp giấy phép.

Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, kinh tế ngư dân gặp nhiều khó khăn, để các tàu cá được trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF, thiết bị giám sát hành trình, rất cần có sự hỗ trợ từ trung ương thông qua các chương trình như “Trái tim biển đảo”, quỹ viễn thông công ích…Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân mong muốn tỉnh có chính sách hằng năm xem xét bố trí kinh phí cho việc mua sắm thiết bị thông tin liên lạc hỗ trợ cho ngư dân, đặc biệt đối với tàu cá không nằm trong diện được hỗ trợ để đảm bảo được trang bị thiết bị thu phát thoại vô tuyến sóng cực ngắn (VHF), máy thu chuyên dụng dự báo thông tin thiên tai (SSB) hoặc radio trực kênh nghe thông báo thời tiết, đảm bảo an toàn khi đánh bắt hải sản trên biển.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145370