Tăng cường quản lý chất lượng thực phẩm

Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thực phẩm chế biến sẵn khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng về chất lượng của các loại thực phẩm này. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai liên quan đến thực trạng trên, ông Nguyễn Đình Minh, Phó chi cục trưởng, phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (thuộc Sở Y tế) cho biết:

- Ngộ độc thực phẩm xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi sau khi ăn những thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh, chất lượng. Nhiều gia đình hiện nay có thói quen tích trữ quá nhiều thực phẩm, để lẫn lộn các loại thực phẩm sống - chín, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm với nhau. Nhiều người dân dễ dãi khi mua thực phẩm chế biến sẵn, nhất là loại thực phẩm được giảm giá mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc, hạn sử dụng… làm gia tăng nguy cơ nhiễm độc và ngộ độc thực phẩm.

* Sau vụ các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do ăn pate Minh Chay trên địa bàn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã có những động thái ứng phó nào để kiểm soát, giám sát thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn trên địa bàn, thưa ông?

- Sau khi trên địa bàn có các trường hợp ngộ độc thực phẩm nguy cấp liên quan đến pate Minh Chay, chi cục đã tham mưu Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức kiểm tra, xử lý các sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới có cơ sở kinh doanh và sản phẩm bán tại địa bàn Đồng Nai. Đồng thời, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống chay trên địa bàn toàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn chủ động phát hiện, niêm phong, thu hồi các sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới, bao gồm: pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vùng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc nấm cháy tỏi...

Qua quá trình kiểm tra, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn H.Long Thành và TP.Biên Hòa, đoàn đã kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm chay và ghi nhận các cơ sở được kiểm tra không kinh doanh các sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới. Tuy nhiên, tại những cơ sở này vẫn có một số mặt hàng không có nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ, không đạt chỉ tiêu chất lượng... Những sản phẩm này được các cơ sở xin tự nguyện tiêu hủy, gồm: 13,4kg tàu hũ ky miếng; 1kg tàu hũ ky cây; 1,2kg mì sợi vàng.

* Hiện nay, xu hướng người tiêu dùng thường mua thực phẩm online bởi sự tiện ích của nó. Ý kiến của ông thế nào khi nhiều người cho rằng, việc mua thực phẩm online đi cùng tiện ích là nguy cơ không kiểm soát được chất lượng, mức độ an toàn cũng như nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm?

- Mua thực phẩm online đang là xu hướng phổ biến bởi những tiện ích như: không tốn thời gian, không tốn công sức đi lại, các sản phẩm phong phú... nhất là trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, mua thực phẩm online càng trở nên phổ biến.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh kiểm tra một cơ sở làm bánh ngọt ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Phương Liễu

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh kiểm tra một cơ sở làm bánh ngọt ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Phương Liễu

Tuy nhiên, đây là môi trường kinh doanh mà một số cá nhân lợi dụng để thu lợi bất chính từ việc bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: sữa bột, thực phẩm chức năng...

Trong khi đó, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng hóa online nói chung và thực phẩm online nói riêng đang rất gian nan vì rất khó quản lý các gian hàng “ảo” trên mạng xã hội do thiếu cơ chế pháp lý trong việc quản lý kinh doanh loại hình này. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc giám sát, quản lý bán hàng online chưa chặt chẽ; nguồn nhân lực kiểm tra của ngành còn mỏng...

Do đó, điều tiên quyết nhất hiện nay là cần một văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt, quy định việc quản lý đối với loại hình bán hàng online, đặc biệt là đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.

* Thực phẩm “bẩn” không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng người dân. Vì sao không thể ngăn chặn triệt để được thực phẩm “bẩn”, trong khi đã có Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và có tới 3 ngành (Nông nghiệp, Công thương và Y tế) cùng tham gia kiểm soát, thưa ông?

- Luật An toàn thực phẩm năm 2010 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn bộ máy tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSTP từ Trung ương đến địa phương.

Đúng là hiện nay, vấn đề thực phẩm có sự quản lý của 3 ngành: Nông nghiệp, Công thương và Y tế. Sự phối hợp này đã góp phần phát huy hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng ATVSTP theo quá trình từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối đến tay người tiêu dùng. Quản lý quá trình sản xuất ra sản phẩm là nhằm quản lý nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, thiết lập hệ thống quản lý từng ngành để phát hiện và từng bước loại bỏ những nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề bất cập, thiếu chặt chẽ trong quá trình phối hợp giữa các ngành, nên thực phẩm “bẩn” vẫn còn cơ hội tồn tại.

* Để kiểm soát chất lượng thực phẩm, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chất lượng trên địa bàn, đặc biệt là thực phẩm mua bán online, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh sẽ có những giải pháp nào, thưa ông?

- Trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Y tế triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn. Đặc biệt, chi cục sẽ tăng cường kiểm soát và xử phạt các hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm năm 2010; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vai trò của người tiêu dùng trong lựa chọn những sản phẩm và nơi bán tin tưởng, chất lượng, cũng như người tham gia các khâu từ sản xuất, bảo quản, đóng gói, vận chuyển sản phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm đến tay khách hàng.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202009/tang-cuong-quan-ly-chat-luong-thuc-pham-3023840/