Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Thời gian qua, UBND tỉnh Long An tập trung các biện pháp, giải pháp khắc phục các tồn tại, vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Tập trung tối đa nguồn lực để thu gom, xử lý rác
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh dao động từ 800-850 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý được tỉnh tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện.
CTR tại địa bàn các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An được thu gom, vận chuyển về xử lý tại nhà máy Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa) với khối lượng khoảng 350 tấn/ngày.
Rác tại huyện Tân Hưng được xử lý đốt tại lò đốt của địa phương; CTR tại địa bàn huyện Vĩnh Hưng xử lý bằng hình thức ủ phân compost và chôn lấp tại nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng.
CTR phát sinh tại huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường được xử lý tại lò đốt rác thị xã Kiến Tường; rác tại huyện Đức Huệ được thu gom đem về bãi rác lộ thiên tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ. CTR phát sinh tại huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc được thu gom, vận chuyển về các nhà máy tại TP.HCM để xử lý.
Công tác thu gom, xử lý rác trên địa bàn thị xã Kiến Tường được địa phương tập trung quyết liệt. Bên cạnh khối lượng rác được thu gom, một số hộ dân ở xa các khu dân cư tập trung, địa phương hướng dẫn cách xử lý rác tại gia đình, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, địa phương được tỉnh hỗ trợ nguồn lực đầu tư nâng cấp lò đốt rác phục vụ việc xử lý rác cho huyện Mộc Hóa và thị xã với khối lượng khoảng 35 tấn/ngày.
Trong quá trình xử lý, thị xã yêu cầu đơn vị thực hiện tránh tình trạng tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, lò đốt rác vẫn bảo đảm về công suất nhưng về lâu dài khả năng sẽ vượt công suất, nguy cơ gây ô nhiễm.
Địa phương kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ và triển khai các kế hoạch đã đề ra góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTR trên địa bàn tỉnh nói chung, thị xã Kiến Tường nói riêng.
Thông tin từ UBND huyện Cần Đước, hiện nay, công tác thu gom, xử lý CTR trên địa bàn huyện cơ bản thực hiện đầy đủ. Khối lượng rác phát sinh khoảng 90 tấn/ngày được thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý rác Đa Phước (TP.HCM) để xử lý. Bằng cách tuyên truyền, vận động, thực hiện nhiều mô hình hiệu quả, công tác quản lý CTR sinh hoạt tại địa bàn cơ bản bảo đảm, người dân nâng cao nhận thức, không phát sinh những điểm ô nhiễm về môi trường.
Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn chưa thể thu gom đầy đủ, huyện tổ chức thực hiện nhiều mô hình để tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động trong vấn đề xử lý rác, tránh phát sinh ô nhiễm.
Về lâu dài, địa phương kiến nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa, có kế hoạch triển khai các giải pháp hữu hiệu và chủ động để công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt đạt hiệu quả hơn nữa.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Sở TN&MT thông tin, công tác thu gom, xử lý CTR mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công nghệ xử lý chưa bảo đảm về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), chưa chủ động còn phải nhờ TP.HCM hỗ trợ xử lý.
Bên cạnh đó, trong quy hoạch và đầu tư các dự án xử lý rác thải, tỉnh đã cập nhật vào quy hoạch nhưng việc kêu gọi, thu hút đầu tư triển khai, thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra; nguồn kinh phí dành cho xử lý rác thải còn khó khăn,...
Thông tin từ UBND tỉnh, dự báo khối lượng CTR phát sinh trên địa bàn tỉnh mỗi năm tăng 10%. Để nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý CTR sinh hoạt, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp trong quá trình thực hiện.
Về quy hoạch và đầu tư, tỉnh tiếp tục giữ quy hoạch các địa điểm xử lý chất thải rắn theo kế hoạch và vị trí quy hoạch Khu xử lý rác Công ty Công nghệ môi trường xanh, với quy mô, diện tích 200ha đã được cập nhật vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023, trong đó khi triển khai phải quy hoạch thực hiện theo lộ trình và theo thứ tự ưu tiên.
Những điểm xử lý rác hiện hữu bằng các lò đốt thông thường, địa phương vẫn tiếp tục cải tạo, sửa chữa để tiếp tục xử lý lượng rác hiện nay cho đến khi các nhà máy xử lý rác tập trung được hình thành và đi vào hoạt động bảo đảm công suất đốt và xử lý hết lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Đối với công nghệ xử lý rác, theo quy định của Luật BVMT năm 2020, CTR sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn nên công nghệ xử lý chất thải rắn đề xuất cần gắn với xu hướng gia tăng khả năng tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ chất thải phục vụ sản xuất, tiêu dùng hàng ngày cho người dân.
Cụ thể, sản xuất phân bón hữu cơ có chất lượng cao (có bổ sung thành phần vi lượng); tạo ra các sản phẩm tái sinh từ rác vô cơ sau phân loại như hạt nhựa tái sinh, màng nhựa phục vụ sản xuất trong nông nghiệp, viên nén phục vụ cho lò hơi trong sản xuất công nghiệp;...
Đối với rác còn lại không còn khả năng tái chế, tái sử dụng (chiếm khoảng 30%) thì đưa vào lò đốt với công suất phù hợp và có hệ thống xử lý khí thải đi kèm bảo đảm khí thải trước khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn quy định; có hệ thống giám sát, quan trắc khí thải online. Xỉ phát sinh từ lò đốt, tro bay từ hệ thống xử lý khí thải dùng làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung phục vụ cho các công trình xã hội, hạn chế tiếp nhận các công nghệ xử lý theo phương pháp chôn lấp.
Đối với các nhà đầu tư đề xuất dự án xử lý rác có công nghệ đốt thu hồi năng lượng (plasma, đốt phát điện, nhiệt phân hay khí hóa) với chi phí xử lý cho một tấn rác phù hợp với tình hình phát triển KT-XH tại từng địa phương thì tỉnh ưu tiên xem xét tiếp nhận.
"UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT và các địa phương phải đa dạng các phương pháp tuyên truyền, ngoài tuyên truyền trên báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng cần tuyên truyền bằng các phương pháp trực quan, tổ chức thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường thiết thực.
Tăng cường sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, đặc biệt là cơ quan thông tin, tuyên truyền xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về môi trường; đưa tin chính xác, thường xuyên và kịp thời, để phát hiện và kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về BVMT; lồng ghép các nhiệm vụ BVMT với các phong trào, cuộc vận động như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa hay lồng ghép nội dung BVMT thông qua các video clip gửi về phụ huynh hướng dẫn dạy trẻ ở nhà;…
Ngành Tuyên giáo và các sở, ngành, địa phương ký kết quy chế phối hợp một cách cụ thể với những nội dung có tính lâu dài về công tác tuyên truyền pháp luật về môi trường. Đồng thời, tỉnh tập trung tuyên truyền công tác phân loại rác tại nguồn gắn với giao trách nhiệm cho MTTQ, các đoàn thể, ấp, khu phố trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, gắn với khen thưởng nhân rộng các mô hình làm tốt,...” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tang-cuong-quan-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-a173878.html