Tăng cường quản lý công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ

Đến nay toàn tỉnh có 4 đơn vị đào tạo và sát hạch lái xe (SHLX) ô tô các hạng gồm: Trường Trung cấp GTVT Nam Định (Sở GTVT); Phân hiệu 2 Trường Cao đẳng Nghề số 3 (Bộ Quốc phòng); Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm và Trường Cao đẳng Nghề số 20 (Bộ CHQS tỉnh). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Đến nay toàn tỉnh có 4 đơn vị đào tạo và sát hạch lái xe (SHLX) ô tô các hạng gồm: Trường Trung cấp GTVT Nam Định (Sở GTVT); Phân hiệu 2 Trường Cao đẳng Nghề số 3 (Bộ Quốc phòng); Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm và Trường Cao đẳng Nghề số 20 (Bộ CHQS tỉnh). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, thời gian qua các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn đã có nhiều cố gắng đầu tư về cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo đúng lộ trình quy định. Trong đó đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết đối với các hạng đào tạo lái xe (trừ hạng B1, B11), phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe. Chất lượng công tác đào tạo lái xe trên địa bàn nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực.

Sân tập thực hành lái xe cơ giới đường bộ tại Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm.

Sân tập thực hành lái xe cơ giới đường bộ tại Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được công tác quản lý giáo viên dạy lái xe, quản lý xe tập lái, nhất là xe hợp đồng; tư vấn tuyển sinh vẫn còn một số hạn chế. Trong tháng 9-2022, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Giao thông thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch tại Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm và Trường Cao đẳng Nghề số 20. Tại thời điểm thanh tra, 2 cơ sở trên có tổng số 246 xe tập lái, cơ bản đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác giảng dạy lái xe theo quy định. Tuy nhiên, còn tình trạng nhiều xe đã ký hợp đồng thuê xe đào tạo nhưng chưa hoàn thiện thủ tục sang tên (Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm có 28 xe; Trường Cao đẳng Nghề số 20 có 10 xe). Sân tập lái xe của Trường Trung cấp Đại Lâm cơ sở 1 vạch sơn kẻ đường bị mờ; mặt đường tại một số điểm đã bị bong tróc, có 2 ổ sụt lún; cơ sở 2 sân tập lái sát với phòng học lý thuyết và sử dụng chung với đường nội bộ của trường, không đảm bảo an toàn giao thông khi dạy thực hành lái xe. Sân tập lái xe của Trường Cao đẳng nghề số 20 một số vị trí cỏ mọc bao phủ, che lấp bó vỉa. Đội ngũ giáo viên của các cơ sở và công tác tuyển sinh, đào tạo lái xe cơ giới đường bộ của các cơ sở vẫn còn những hạn chế,…

Trước thực trạng trên, để đảm bảo công tác đào tạo lái xe trên địa bàn đúng quy định, Sở GTVT đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện nghiêm văn bản số 95/CĐBVN-QLVT,PT&NL ngày 7-10-2022 của Cục Đường bộ Việt Nam. Bên cạnh đó, Sở GTVT yêu cầu các cơ sở thực hiện ngay một số nội dung, giải pháp để tăng cường công tác quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Về công tác tuyển sinh, Sở GTVT yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng phương án tuyển sinh đúng với khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất sân tập lái, phòng học, xe tập lái, giáo viên dạy lái xe tại từng thời điểm. Trong đó chỉ được phép bố trí không quá 50% số xe sát hạch tham gia đào tạo trong cùng mặt cắt lưu lượng. Niêm yết công khai các khoản phí, lệ phí và cung cấp các thông tin về tuyển sinh đầy đủ cho người học, đảm bảo tính công khai minh bạch. Tăng cường công tác bảo vệ để duy trì trật tự tại cơ sở, không để các đối tượng mượn danh giáo viên dạy lái xe để tư vấn tuyển sinh, phát ngôn các thông tin không chính xác nhằm trục lợi từ việc tuyển sinh. Bên cạnh đó cần thực hiện nghiêm việc không thu phí đào tạo qua trung gian để phòng ngừa tiêu cực. Thực hiện ký hợp đồng đào tạo và thanh lý hợp đồng đào tạo đối với học viên theo đúng quy định. Thường xuyên đôn đốc, chấn chỉnh bộ phận tuyển sinh trong công tác tiếp nhận hồ sơ học viên, đảm bảo các thành phần hồ sơ theo quy định, chỉ đưa vào báo cáo mở lớp các học viên đã nộp đầy đủ các thành phần hồ sơ.

Về quản lý giáo viên dạy lái xe, Sở GTVT yêu cầu các cơ sở tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên đảm bảo dạy lái đúng tuyến đường đã cấp phép, khi tham gia bảo hiểm tay lái cho học viên cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, giữ đúng tác phong sư phạm, mang đầy đủ các loại giấy phép theo quy định và thực hiện ghi chép đầy đủ các nội dung chương trình vào sổ theo dõi thực hành lái xe. Thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu vào phần mềm quản lý giáo viên dạy lái xe, chủ động xác minh tính hợp pháp về văn bằng, chứng chỉ liên quan của đội ngũ giáo viên dạy lái xe đảm bảo đúng quy định. Nghiêm cấm các trường hợp giao phương tiện để học viên tự học mà không có giáo viên bảo trợ tay lái hoặc đào tạo trên các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định; khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của cơ sở đào tạo để giám sát lộ trình đào tạo thực hành lái xe của giáo viên và các thông tin liên quan theo đúng kế hoạch giảng dạy. Rà soát quản lý đối với xe tập lái, nhất là xe tập lái hợp đồng; khi đề nghị cấp giấy phép xe tập lái hợp đồng, yêu cầu đơn vị xuất trình giấy tờ gốc để đối chiếu. Đối với các xe tập lái thuộc danh sách đã báo cáo không còn tham gia giảng dạy phải báo cáo Sở để kịp thời thu hồi giấy phép xe tập lái. Không sử dụng xe tập lái đang trong thời gian kế hoạch đào tạo vào mục đích khác. Về công tác tổ chức đào tạo, yêu cầu các cơ sở tăng cường quản lý nhập học, kể cả đối với các giờ học pháp luật đã sử dụng thiết bị giám sát, tránh trường hợp sử dụng thiết bị mang tính hình thức. Trong quá trình tổ chức đào tạo nếu có phát hiện sai sót, bất cập của phần mềm giám sát cần báo cáo kịp thời về Sở GTVT để kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục kịp thời, tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi lợi dụng sai sót/lỗi phần mềm để can thiệp sửa chữa dữ liệu. Thực hiện nghiêm việc lưu trữ các dữ liệu giám sát theo quy định. Thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới vào chương trình giảng dạy và tổ chức đào tạo đầy đủ các nội dung và thời lượng theo quy định.

Trong thời gian tới, để chấn chỉnh các tồn tại trong công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, Sở GTVT yêu cầu các cơ sở đào tạo tăng cường quản lý thời gian dự học, kể cả đối với các giờ học pháp luật giao thông đường bộ đã sử dụng thiết bị giám sát, tránh trường hợp sử dụng thiết bị theo cách hình thức. Thực hiện nghiêm việc lưu trữ các dữ liệu giám sát theo quy định; khảo sát kỹ, đăng ký với các cơ quan quản lý theo quy định về các tuyến đường dạy thực hành lái xe đảm bảo yêu cầu đào tạo, đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông; có biện pháp ngăn ngừa việc giáo viên dạy thực hành yêu cầu học viên học lái xe ô tô trên đường phải điều khiển xe tham gia giao thông với vận tốc cao để sớm bảo đảm đủ số km học thực hành lái xe (tương ứng các hạng B11 là 710km, B1 là 810km, B2 là 810km, C là 825km), tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Quan tâm ứng dụng công nghệ theo tinh thần chuyển đổi số để cải thiện trải nghiệm của giáo viên, học viên, thí sinh, sát hạch viên và tăng hiệu quả hoạt động./.

Bài và ảnh: Thành Trung

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202211/tang-cuong-quan-ly-cong-tac-dao-tao-lai-xe-co-gioi-duong-bo-2553846/