Tăng cường quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài

Tình hình người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng mạnh trong những năm gần đây. Điều này đòi hỏi lực lượng quản lý xuất cảnh và các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tuyên truyền, rà soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cư trú bất hợp pháp

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh phát hiện một số người nước ngoài cư trú, hoạt động bất hợp pháp. Điển hình là đầu tháng 6/2023, qua công tác nắm địa bàn, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) phát hiện, làm rõ một đối tượng người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp tại thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Lãnh đạo, cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) trao trả 2 nữ công dân Ấn Độ.

Lãnh đạo, cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) trao trả 2 nữ công dân Ấn Độ.

Trước đó, ngày 26/5, Phòng đã làm thủ tục xuất cảnh, trao trả 2 công dân người Ấn Độ là Praisimol Kochuparambil Sabu (SN 1999) và Ashly Merrin John (SN 1993). Hai công dân này nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2020 với mục đích dạy tiếng Anh tại các trung tâm, sử dụng chứng nhận tạm trú ở Việt Nam quá thời hạn 90 ngày mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Sau khi xác minh, đơn vị xác định một đối tượng người Việt Nam biết hai người đã hết hạn thị thực nhưng vẫn bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt cùng gia đình để thu lợi mà không làm thủ tục khai báo tạm trú với cơ quan công an. Tháng 3/2023, khi Ashly Merrin John bị thương do va chạm giao thông, nhờ Praisimol Kochuparambil Sabu đang làm giáo viên ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh) sang chăm sóc và ở cùng tại TP Bắc Giang thì mới bị phát hiện.

Tháng 11/2022, Công an tỉnh tổ chức trao trả 2 nam giới quốc tịch Lào qua cửa khẩu Na Mèo - Nậm Xôi. Hai người này theo một người tên là Lò Thị Lượng (quê tỉnh Thanh Hóa) về làm công nhân xây dựng cho một công trình trên địa bàn thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) được gần 1 tháng.

Người nước ngoài cư trú, hoạt động bất hợp pháp tại tỉnh để làm lao động tự do. Họ suy nghĩ giản đơn là thường xuyên di chuyển nay đây mai đó phụ thuộc vào công trình, lại thuê qua nhiều “chủ” nên không khai báo tạm trú ở địa phương. Mãi cho đến khi cai thầu thuê dãy trọ gần công trình cho nhóm lao động này, qua kiểm tra cư trú, yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân thì mới phát hiện. Người nước ngoài cũng cư trú, hoạt động ở khu vực đông dân cư, địa bàn khu công nghiệp. Ban đầu, các đối tượng nhập cảnh với thị thực du lịch (thời gian ngắn) nhưng lại tham gia lao động, tức là trái với mục đích nhập cảnh. Các đối tượng này có thể làm đầu bếp tại một số nhà hàng, không loại trừ trường hợp cư trú, làm việc bất hợp pháp ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khắc phục sơ hở, thiếu sót

Trên cả nước, xuất hiện tình trạng một số người nước ngoài lợi dụng chính sách thông thoáng để vào Việt Nam hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, kích động biểu tình, truyền đạo trái pháp luật; phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy. Thường thấy là thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh, du lịch, lao động, khám chữa bệnh, dạy học khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép, làm giả giấy tờ để ở lại Việt Nam.

Toàn tỉnh hiện có 11 nghìn lượt người ở 56 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam; tăng hơn 1,1 nghìn lượt người so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý có gần 7.900 chuyên gia, lao động người nước ngoài đang làm việc thường xuyên, trong đó khoảng 6 nghìn người Trung Quốc chủ yếu ở các khu công nghiệp.

Ở một số nơi, người nước ngoài còn móc nối và “núp bóng” cá nhân, doanh nghiệp người Việt Nam để mua bán bất động sản, hoạt động đầu tư kinh doanh ở khu vực an ninh quốc phòng.

Để chấn chỉnh thiếu sót, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại địa phương, Công an tỉnh đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 31/5/2023.

Theo đó, Công an tỉnh, các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, quy định, trách nhiệm liên quan của người nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mời bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, hoạt động tại Việt Nam. Tăng cường nắm tình hình, phòng ngừa, tổ chức các mặt trinh sát phát hiện, điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đoàn kiểm tra các địa điểm, cơ sở lưu trú mà người nước ngoài đang cư trú, làm việc.

Sở Ngoại vụ phối hợp tổ chức đợt kiểm tra liên ngành về việc tuyển, sử dụng lao động người nước ngoài nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn trường hợp vi phạm. Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp xử lý, thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế các doanh nghiệp cho người nước ngoài sử dụng tư cách pháp nhân để kinh doanh sử dụng lao động không có giấy phép lao động, thậm chí để khách vi phạm pháp luật...

Thượng tá Bùi Quốc Khánh, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh cho rằng, để công tác phòng ngừa, đấu tranh với việc cư trú, hoạt động trái phép của người nước ngoài ở Việt Nam hiệu quả, cốt yếu nhất vẫn là sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân. Mỗi người dân, cán bộ của đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp chính là “tai mắt” của lực lượng công an, cung cấp thông tin nhằm cùng chung tay bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội.

Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/406376/tang-cuong-quan-ly-cu-tru-va-hoat-dong-cua-nguoi-nuoc-ngoai.html