Tăng cường quản lý để bảo đảm sinh kế bền vững

Mô hình điểm về thu gom rác thải nuôi trồng thủy sản tại phường Xuân Yên, TX Sông Cầu (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: MINH DUYÊN

Hàng ngày, các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản phát thải một lượng lớn rác thải nhựa, gây ô nhiễm môi trường biển. Tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu và khai thác theo hướng tái tạo.

Rác xâm lấn

Theo Sở TN-MT, Phú Yên đã xây dựng kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa và rác thải đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đây sẽ là căn cứ để các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa từ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản được thực hiện một cách quyết liệt hơn.

Với bà Nguyễn Thị Hồng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), việc những mảnh lưới, túi ni lông, thùng xốp… nằm lẫn trong cát, vắt vào những bờ đá hay trôi dưới nước không còn xa lạ nữa. Những mẻ lưới kéo lên tôm cá thì ít mà rác lại nhiều, các bè nuôi lỗ nặng vì ô nhiễm, từ đó mới thấy những thói quen tưởng chừng vô hại như vứt rác bừa bãi đã ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế. Bà Hồng tâm sự: Giờ nhìn đâu cũng thấy rác mà lo lắng. Rác rau củ quả có thể tự phân hủy được chứ mảnh lưới, túi ni lông… tới bao giờ mới biến mất. Nhà tôi sống nhờ vào biển, nếu không còn con tôm, con cá thì biết làm sao.

Còn chị Đào Thị Vân Anh, chủ bè nổi Phương Anh ở vịnh Vũng Rô, TX Đông Hòa, cho biết: Trước đây, từ trên bè nhìn xuống đáy, nước trong, sứa, tôm, cá bơi tung tăng, còn nay chỉ thấy túi ni lông; trên mặt biển thì vỏ hộp đựng thức ăn, phao… Hàng tuần, tôi cho nhân viên của mình cùng đội Đông Hòa xanh đi vớt rác nhưng không đáng kể.

Theo Sở TN-MT, ngoài bờ biển dài, tỉnh còn có 4 đầm, vịnh với diện tích khoảng 18.000ha. Đây là không gian phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, giúp tạo việc làm cho người dân từ nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, môi trường sinh thái biển đang chịu sức ép lớn từ nước thải và rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa chưa được thu gom, xử lý triệt để.

Nghiên cứu tại Phú Yên từ năm 2019 đến cuối năm 2020, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) chỉ ra rằng: Tỉ lệ rác thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản chiếm gần 70% do ngư lưới cụ (lưới, chỉ lưới, dây thừng), trên dưới 20% từ bảo quản, phân loại thủy sản (thùng nhựa, khay nhựa, túi ni lông), từ 3-7% từ sinh hoạt (chai nhựa, hộp xốp, bao gói mì ăn liền…) và từ 2-3% thiết bị bảo hộ (áo phao, phao)… Trong nuôi trồng thủy sản, 90% lượng rác nhựa phát sinh từ xây dựng hạ tầng cơ sở ban đầu như bạt lót ao nuôi, lồng, bè, lưới, thừng, ống nước…

TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF tại Việt Nam, cho biết: Chỉ tính riêng việc khai thác thủy sản bằng tàu ở tỉnh Phú Yên, một năm mỗi tàu có thể phát sinh từ vài ký đến 100kg rác nhựa (tùy vào thời gian đi biển cùng dụng cụ, vật tư sinh hoạt mang theo). Trong khi đó, tỉnh có đội tàu hơn 4.000 chiếc. Những con số thực tế này cho thấy lượng rác thải nhựa phát thải ra biển hàng năm lớn thế nào.

Đa dạng giải pháp

Với mong muốn tái tạo rác thải nhựa khó phân hủy, anh Phan Xuân Danh ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) làm mô hình túi lưới làng chài bằng cách biến những tấm lưới bỏ đi thành túi đựng đồ thay cho túi nilông hay làn nhựa. Anh Danh tâm sự: Mỗi lần đi biển, tôi thấy nhiều mảnh lưới cá của ngư dân vứt ra, nằm lẫn trong cát trong nước. Chúng từng là công cụ nuôi sống bao thế hệ ngư dân, đáng được trao một vòng đời mới. Tôi cùng một số bạn nhặt và mang những mảnh lưới ấy về, cắt gọn gàng, may thành những chiếc túi đi chợ, đựng đồ và tặng lại ngư dân.

Cùng với đó, mô hình điểm về thu gom rác thải nuôi trồng thủy hải sản cũng được triển khai tại phường Xuân Yên (TX Sông Cầu). Theo UBND phường này, Xuân Yên là địa bàn trọng điểm nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài với gần 9.500 lồng nuôi tôm. Mô hình thu gom rác thải đi vào hoạt động đã cung cấp 247 giỏ đựng chất thải cho các hộ nuôi, hình thành 6 điểm tập kết rác trên bờ biển và hàng tuần vào thứ hai, tư và sáu có công nhân vệ sinh thu gom. Từ đây dần hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định cho ngư dân.

Theo Sở TN-MT, đơn vị duy trì và nhân rộng các mô hình để tạo thành chuỗi hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường biển. Phú Yên đã xây dựng kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa và rác thải đại dương đến năm 2030. Đây sẽ là căn cứ để các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa từ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản được thực hiện một cách quyết liệt hơn. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hợp tác với WWF theo dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam nhằm thu hút vốn đầu tư cũng như học hỏi những nghiên cứu khoa học để có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý rác thải nhựa.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/262801/tang-cuong-quan-ly-de-bao-dam-sinh-ke-ben-vung.html