Tăng cường quản lý địa bàn, chống buôn lậu, gian lận thương mại
Từ nay đến cuối năm 2023 là thời điểm doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tập trung sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường. Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh Long An yêu cầu các lực lượng là thành viên tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm ổn định thị trường.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng thuộc BCĐ 389 tỉnh tăng cường công tác quản lý, xây dựng cơ sở báo tin, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Các lực lượng không ngừng tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bằng hình thức lồng ghép công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, kiềm chế.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh triển khai, chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng chức năng của tỉnh, địa phương, đặc biệt là các huyện, thị xã biên giới tập trung lực lượng triển khai quyết liệt các giải pháp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý tình trạng heo nhập lậu.
Hoạt động buôn lậu thuốc lá điếu trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Các đối tượng buôn lậu thường đưa thuốc lá qua đường mòn, lối mở khu vực biên giới rồi dùng xe máy, xe ôtô chở về khu vực nội thị để tiêu thụ.
Trong 8 tháng qua, các lực lượng thuộc BCĐ 389 tỉnh đã xử lý, bắt giữ trên 1,16 triệu gói thuốc lá nhập lậu. Theo đó, trong tháng 8/2023, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh tuần tra, phát hiện, xử lý 3 vụ vi phạm, thu giữ 1.190 gói thuốc lá ngoại. Lực lượng công an phát hiện, xử lý, thu giữ 125.610 gói thuốc lá ngoại. Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tổ chức kiểm tra, kiểm soát địa bàn, phát hiện, thu giữ 10.270 gói thuốc lá ngoại,...
Ngoài thuốc lá điếu, các lực lượng chức năng còn thu giữ một số hàng hóa buôn lậu: 174.050kg đường cát, 1.353 thùng bia, 10 tấn gỗ, 220 chai thuốc bảo vệ thực vật, 177 xe hai bánh và 86 xe ôtô các loại là phương tiện mà các đối tượng buôn lậu dùng vận chuyển hàng hóa. Cơ quan chức năng đã khởi tố 55 vụ và 53 đối tượng theo quy định pháp luật.
Thông tin từ BCĐ 389 tỉnh, tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn xảy ra, nhất là trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y thủy sản,... Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng xử lý 2.081 vụ việc. Các vi phạm chủ yếu trên lĩnh vực phân bón như kinh doanh phân bón giả, không bảo đảm chất lượng, không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, vi phạm về nhãn hàng hóa. Lực lượng chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục QLTT tỉnh xử lý 6 vụ phân bón là hàng giả, kém chất lượng.
Các hành vi vi phạm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Qua nắm thông tin địa bàn và người dân phản ánh, Đội QLTT số 1 đang xử lý vụ việc giả nhãn hiệu hàng hóa là ống nhựa Bình Minh.
Mới đây, Đội QLTT số 3 phối hợp Công ty TNHH Tư vấn sở hữu trí tuệ Việt Nam kiểm tra cửa hàng bán nước sơn (phường 5, TP.Tân An) và tạm giữ 7 thùng nước sơn nội thất cao cấp nhãn hiệu Dulux có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ. Cùng với đó, Đội QLTT số 3 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Tân An tiến hành kiểm tra kho hàng hóa trên đường Trịnh Quang Nghị, phường 4.
Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng có chứa 150 bộ nhông, sên, dĩa; 20 cái vành xe 2 bánh; 19 lốc máy xe; 18 pô xe. Tất cả hàng hóa còn mới, chưa qua sử dụng. Chủ sở hữu chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ của các hàng hóa này. Hiện vụ việc được Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Tân An tiếp tục xử lý theo quy định.
Thông tin từ BCĐ 389 tỉnh, các hành vi vi phạm trên lĩnh vực thương mại đều được phát hiện và xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh. Hiện UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia về đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới.
Các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở qua lại biên giới; kiểm tra, giám sát địa bàn, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả để có biện pháp xử lý phù hợp./.